TIN TỨC SỰ KIỆN | TIN TỨC
Hiểu đúng để đối phó với Zika virus
Những thông tin gần đây của loại virus mới “ăn não” hay “gây teo não” đã làm không ít người lo sợ và đặt câu hỏi về sự an toàn của người dân Việt Nam trước nguy cơ dịch bệnh đe doạ nhiều nơi trên thế giới. Trên thực tế, vấn đề của virus Zika khá đặc biệt và có thể nói là hoàn toàn khác biệt với các tác nhân gây bệnh từ trước đến giờ. Cần hiểu đúng các nguy cơ của bệnh để có biện pháp đối phó phù hợp.
1. Tóm tắt về virus Zika (ZIKV)
Virus Zika là một họ hàng gần của virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết, gặp chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới với vectơ truyền bệnh tương tự là muỗi vằn thuộc nhóm Aedes. Virus cũng có thể lây bằng đường máu, qua nhau-ối và qua quan hệ tình dục. Tuy nhiên, số ca ghi nhận nhiễm bằng các đường lây này chỉ chiếm số ít.
Khi gây bệnh ở người, 4/5 số ca không có biểu hiện và 1/ 5 chỉ có vài biểu hiện nhẹ như sốt, nổi mẩn, nhức đầu. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân là phụ nữ có thai, thai nhi có thể bị dị tật đầu nhỏ. Tuy virus có nguồn gốc từ châu Phi, nhưng bệnh đang gặp ở hơn 20 nước và bùng phát thành dịch ở các nước Nam Mỹ. Do chưa có thuốc chữa hay vaccine phòng ngừa, cách hạn chế dịch hiện nay chủ yếu nhằm vào vectơ truyền bệnh là muỗi.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
2. Không nên hù doạ bằng cái tên virus ăn não người
Trước hết, khái niệm ăn não hay teo não là không phù hợp. Virus gây tác động trực tiếp vào quá trình phát triển của thai nhi ở giai đoạn sớm, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, dẫn đến hậu quả là một tình trạng đầu có kích thước nhỏ hơn bình thường. Tình trạng này không phải do xương sọ nhỏ, mà do bộ não kém phát triển nên kích thước hộp sọ không tăng trưởng như bình thường. Nói cách khác, không có huỷ hoại mô não (như là amib ăn não Naegleria fowleri), cũng không có sự thoái hoá và thu nhỏ khối lượng mô não (như teo não ở người già chẳng hạn). Vì vậy, gọi là virus ăn não hay teo não thì đều sai cả.
Dị tật đầu nhỏ có thể gặp do nhiều loại virus gây bệnh khác. Tuy nhiên, đầu nhỏ gây ra do virus Zika có sự khác biệt đặc trưng bởi việc không hình thành các nếp nhăn, hồi não và cả bộ não chỉ là một khối tròn trụi như hòn sỏi. Hậu quả trực tiếp của việc kém phát triển não là sự suy giảm chức năng vận động, chức năng trí tuệ và tăng tỷ lệ tử vong sau sinh. Trên thực tế, mối liên hệ đầu nhỏ-virus Zika chỉ được đưa ra từ tháng 8/2015. Thế hệ trẻ bị dị tật này cho đến nay còn chưa tròn một tuổi. Vì thế, ngoài vấn đề đầu nhỏ và bệnh lý viêm đa rễ thần kinh (Guillain Barre), có thể vẫn còn nhiều rủi ro mà chúng ta chưa nhìn thấy hết được.
3. Virus Zika nguy hiểm tới mức nào?
Virus Zika không phải là một tác nhân gây bệnh mới xuất hiện. Nó được phát hiện lần đầu vào năm 1947 tại khu rừng rậm Zika của Uganda (Africa) trên khỉ. Bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm virus Zika vào năm 1967 với các mô tả đơn giản về biểu hiện và cách điều trị. Cho đến năm 2015, virus Zika chỉ là một tác nhân gây bệnh loại xoàng, ít người để ý vì mức độ nguy hại không đáng kể và việc điều trị đơn giản. Vì thế, chẳng mấy ai quan tâm đến việc chẩnđoán (cho đến nay chưa có test thương mại nào để phát hiện bệnh), điều trị (không có thuốc điều trị đặc hiệu) cũng như phòng ngừa (chẳng ai nghĩ đến việc bào chế vaccine). Câu chuyện trở nên khác biệt vào tháng 8/15 khi mà lần đầu tiên mối liên hệ dị tật đầu nhỏ và virus này bị nghi ngờ bởi một phòng khám nhi của gia đình bác sĩ Van Linden. Mối nghi ngờ này nhanh chóng được xác nhận và trở thành báo động đỏ trong hệ thống y tế của Brazil.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Trong giới chuyên môn, virus Zika đặt ra khá nhiều vấn đề mới. Mô hình bệnh gây nguy hiểm gián tiếp cho thai nhi thay vì trực tiếp cho bệnh nhân.Tuy nhiên, virus Zika không phải là tác nhân gây bệnh đầu tiên có khả năng này. TORCH là một khái niệm quen thuộc của các bác sĩ Sản dùng để chỉ những tác nhân có nguy cơ tương tự (Toxoplasma, Other, Rubella, Cytomegalovirus, Herpes Simplex Virus- trong đó Other là một nhóm bao gồm nhiều loại khác như Treponema, Cosackievirus, HBV, HIV, HPV, Varicella). Với sự “hung hãn” của virus Zika, hầu như chắc chắn là nó sẽ được nhanh chóng bổ sung vào sách vở và đổi tên TORCH thành TZORCH hay TORCHZ chẳng hạn.
Chúng ta vẫn chưa thể đánh giá được mức độ nguy hiểm của virus Zika cao đến mức nào vì số người bị nhiễm và bị bệnh khó có thể được đánh giá đúng. Một số báo của ta đã đưa thông tin sai lệch về số bệnh nhân như: Brazil hiện đã phát hiện 4.000 trường hợp nghi nhiễm virus Zika…. hoặc: có hơn 40 ca tử vong do nhiễm virus Zika…. Trên thực tế, con số 4180 ca là số trẻ sơ sinh bị dị tật đầu nhỏ được phát hiện trong năm 2015 và nhà chức trách Brazil cho rằng số người nhiễm bệnh có thể lên đến 100.000. Cũng vậy, con số tử vong hơn 40 ca cũng không phải là tử vong do nhiễm virus mà là do sự suy giảm hoạt động của hệ thần kinh trung ương, hậu quả của nhiễm virus Zika nhiều tháng trước đó. Một điều khá rõ ràng là ngay cả khi con số chính xác chưa được xác định, những số liệu hiện tại cũng đủ để đặt toàn bộ các hệ thống y tế trên toàn thế giới lên mức cảnh giác cao nhất.
Mặt khác, nguy cơ của virus Zika không nằm ở thì hiện tại, mà ở tương lai của cả một đất nước hay một dân tộc. Thật vậy, các tác nhân nhóm TORCH có thể gây dị tật sơ sinh, nhưng đó chỉ là những ca lẻ tẻ với số lượng không đáng kể. Chưa bao giờ người ta ghi nhận cơn “dịch về dị tật sơ sinh” cả. Tổ chức y tế thế giới ước tính đến cuối năm nay, cả châu Mỹ có thể có khoảng 4 triệu người bị nhiễm virus Zika, vậy sẽ có bao nhiêu ca đầu nhỏ bị sinh ra, 50.000 hay 150.000? Nói thật, chỉ nghĩ cũng không dám!
Không nói đến số trẻ chết ngay sau sinh, chừng ấy trẻ bị dị tật sẽ là một gánh nặng về kinh tế và chăm sóc y khoa sẽ làm hao tốn bao tài nguyên của gia đình và xã hội? Bởi thế, một khuyến cáo chưa bao giờ có tiền lệ trong lịch sử y tế thế giới đã được đưa ra: các chị em trong vùng dịch chú ý chầm chậm lại, khoan hãy sinh con trong 2 năm, chờ tìm ra thuốc trị hay vaccine phòng ngừa rồi hãy tính nhé! Một lời khuyên nghe thật buồn cười nhưng không đáng cười một chút nào.
4. Virus Zika có ở Việt Nam hay chưa?
Chiều 29/1/ 2016, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cho biết Việt Nam chưa có ca nào bị nhiễm Zika. Một mặt, đây là tin mừng làm yên lòng các chị em đang hay sắp mang thai. Mặt khác, đằng sau thông báo này là khá nhiều vấn đề không đơn giản. Thật vậy, khi nói Việt Nam chưa có cả nào nhiễm Zika, cần nói chính xác hơn là chưa có ca nào ĐƯỢC GHI NHẬN TRONG ĐỢT DỊCH ĐANG BÙNG PHÁT TRÊN THẾ GIỚI HIỆN NAY. Nói cách khác, có thể có ca nhiễm nhưng chưa ghi nhận hoặc cũng có ca nhiễm, nhưng đã lâu rồi, ngoài đợt dịch này.
*** Trước hết, cần phân biệt lây nhiễm mới và cũ. Bản đồ phân bố dịch bệnh hiện nay của CDC Mỹ ghi nhận hình ảnh đang nóng của 21 nước, là những nước đang có ca bệnh cấp tính và đang có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng (active transmission). Ngược lại, có một bản đồ dịch tễ khác ghi nhận những nước có bằng chứng về sự hiện diện của virus Zika. Trong bản đồ này, nhiều nước Châu Phi, vùng Đông Nam Á và các đảo ngoài khơi Thái Bình Dương đều được đánh dấu, kể cả Việt Nam.
*** Làm sao phân biệt mới và cũ? Cách đáng tin cậy nhất là nhờ đến các phòng xét nghiệm. Trong trường hợp bệnh đang tiến triển, xét nghiệm sinh học phân tử (PCR) sẽ tìm thấy dấu vết trực tiếp của bộ gen virus trong máu người bệnh hoặc đôi khi ở những vị trí khác như não của thai hoặc trong nước ối của phụ nữ mang thai. Ngược lại, khi bệnh đã hết, dấu vết của virus chỉ còn lại là các kháng thể đặc hiệu tìm thấy trong máu. Khi đó, các phản ứng ngưng kết huyết thanh sẽ cho kết quả dương tính dù bệnh nhân không còn mắc bệnh nữa. Các nghiên cứu về dịch tễ dùng huyết thanh chẩn đoán đã xác nhận virus Zika ở vùngĐông Nam Á (bao gồm Thái lan, Ấn độ, Malaysia, Indonesia, Philippin và ViệtNam) từ nhiều năm trước đây.
*** Để hiểu thêm về giá trị của hai loại xét nghiệm, có thể lấy ví dụ sau. Có một nhà kia bị trộm. Chủ nhà nhớ loáng thoáng khuôn mặt của anh trộm. Vài bữa sau, cảnh sát tóm được anh trộm này nhưng làm thế nào để khẳng định?
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
- Cách thứ nhất, thường thấy trong phim ảnh, sắp hàng 4 - 5 khuôn mặt khả nghi và yêu cầu khổ chủ nhận diện thủ phạm.
- Cách thứ hai, nếu tìm được dấu tay của trộm tại hiện trường, chỉ cần so sánh với đối tượng tình nghi là được.
Cách nhận diện kẻ gian đưa vào mắt thường cũng giống như làm phản ứng huyết thanh. Thông thường là chính xác nhưng đôi khi vẫn cố nhầm lẫn nếu có hai anh hơi bị giống nhau (ví dụ như virus Zika và virus sốt xuất huyết chẳng hạn). Ngược lại, cách dựa vào vân tay là đặc hiệu cũng như phản ứng PCR, không thể lầm. Nói chung, cả hai loại xét nghiệm trên đều dựa trên nguyên tắc chung và các thiết bị thông thường. Vấn đề là cần phải có những mẫu thử đặc hiệu cho virus định truy tìm. Cho đến nay, chưa có phòng xét nghiệm nào ở Việt Nam nhận thử vì chưa có mẫu. Viện dịch tể trung ương cũng cho biết đang chờ sự giúp đỡ từ phía Mỹ.
*** Vậy thật sự là Việt Nam không có virus Zika? Đáng tiếc, điều này hơi khó tin.
Trước hết, phải khẳng định ngay là Việt Nam có đủ điều kiện để trở thành “đất lành” của virus Zika vì có đủ những điều kiện cần thiết: khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, điều kiện vệ sinh môi trường yếu kém với nhiều nguồn nước tù đọng, sự hiện diện phổ biến của tác nhân truyền bệnh là muỗi Aedes.
Về mặt lâm sàng, nhắc lại là 80% bệnh nhân nhiễm Zika không có triệu chứng. 20% còn lại chỉ có cảm sốt nhẹ, nổi mẩn đỏ chút ít. Vậy nếu ta có 1000 ca nhiễm Zika, có bao nhiêu ca đi khám bệnh? Trong số ít ỏi người bệnh đi khám, có bao nhiêu ca bác sĩ nghĩ đến Zika để cho đi xét nghiệm? Cuối cùng, chưa hề có một ca nào được đi thử virus Zika (vì vốn là chưa hề có nơi nào thử được mà), thì làm thế nào để chắc chắn không có ca bệnh?
Bởi vậy, hãy tự an ủi mình đôi chút nhưng đừng lơ là cảnh giác với bầy muỗi đói chung quanh ta vì mối hiểm họa có vẻ còn đang lơ lửng quanh đây. Ít nhất, Việt Nam không phải là nước đang có báo động nên khuyến cáo về hoãn mang thai chưa cần áp dụng ở nước ta.
5. Những câu hỏi khác
Một trong những câu hỏi làm đau đầu giới chuyên môn quan tâm là vì sao Brazil? vì sao lại là 2015? Điều gì đã làm cơn dịch bùng phát như hiện nay? Có thể có một câu trả lời cho qua chuyện là đất lành virus đậu… và Brazil, 2015 chẳng qua là hậu quả của một môi trường phù hợp sau khi virus Zika cập bến vào năm 2014. Tuy nhiên, không rõ vì sao những yếu tố về thời tiết, khí hậu đó có thể gặp ở nhiều nước nhiệt đới khác mà không đưa đến hậu quả nghiêm trọng.
(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)
Cũng có giả thuyết nêu lên vai trò của World cup 2014 như một dịp Festival của họ nhà muỗi vằn trước đám đông chen chúc trong một đô thị chật hẹp? Tuy không có cơ sở khoa học rõ ràng nhưng cũng đã có ý kiến nghi vấn về ảnh hưởng của Olympic 2016 lên tình hình dịch bệnh vào năm tới.
Một giả thuyết khác cũng đang được xem xét là vai trò của quần thể muỗi biến đổi gen OX513A của công ty Oxitec. Vốn được thiết kế để giảm số lượng nhóm muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết, các nhà điều tra đang nghi ngờ là việc biến đổi gen này có thể làm xuất hiện giống” siêu muỗi” thế hệ F1 với khả năng sống sót và truyền bệnh mạnh mẽ hơn muỗi cha muỗi mẹ. Trong khi chờ đợi kết luận cuối cùng, cũng cần biết là công ty Oxytec cho biết họ đã được phép nhập khẩu và rải thử nghiệm muỗi OX513A ở Việt Nam.
Cuối cùng, trong hàng loạt những tin tức nặng nề, một vài số liệu gần đây khác làm nhẹ đi nỗi lo lắng về tình trạng dị tật đầu nhỏ của thai và trẻ sơ sinh. Trước hết, để xác định đầu nhỏ do virus Zika, không chỉ nhìn bằng mắt thường mà cần số đo chính xác và so sánh với tuổi, giới thai-trẻ. Trong con số 4180 ca đầu nhỏ được báo cáo ban đầu, hơn 700 ca được khám chi tiết cẩn thận, chỉ có 270 ca được xác nhận có dị tật còn 462 ca còn lại đã được loại trừ. Tuy 3448 ca còn lại vẫn còn đang được điều tra nhưng rõ ràng con số trẻ đầu nhỏ thực sự sẽ thấp hơn công bố ban đầu khá nhiều.
Mặt khác, trong 270 ca được xác nhận dị tật, chỉ có 6 ca có bằng chứng nhiễm virus Zika. Vì thế, giới chuyên môn đang tỏ ra nghi ngờ về việc thổi phồng số liệu, thông tin sai lệch làm đánh giá quá lố các rủi ro thực tế. Việc xác định lại các thông tin này có thể phải cần thêm thời gian và việc tiếp tục cập nhật thông tin là vô cùng cần thiết.
Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang
Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin
___________________________________________________________________________________
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com hay Đăng ký qua link: https://goo.gl/TNGSa8 để đặt hẹn và được tư vấn.