THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT

Bánh Trung Thu: Quá Ngon, Quá Nguy Hiểm

Không mấy ai không thích bánh trung thu. Không gì thú vị hơn việc nhấm nháp một mẩu bánh trong đêm trăng tròn, cùng chén trà thơm, ngắm nhìn lũ trẻ dung dăng dung dẻ với lồng đèn đủ kiểu. Ngày xưa, ông cha có may mắn hưởng thụ niềm vui tao nhã này mà không phải bận tâm về bất cứ điều gì. Thật không may, ngày nay thế sự xoay vần, không nhiều người có thể có thể có một niềm vui trọn vẹn như thế. Bỏ qua việc dùng bánh trung thu để quà cáp đổi chác, cũng bỏ qua việc trẻ con chẳng còn đất để chơi và không còn thì giờ để rước đèn, chiếc bánh trung thu ngày nay có thể được xem là tượng trưng của tất cả những thứ đang làm hại đến sức khỏe của bạn. Vì sao?

Quá ngọt. Dù là bánh dẻo, bánh nướng hay là rau câu, tất cả đều ngọt lịm, ngọt như đường. Vỏ bánh ngọt ít, nhân bánh ngọt lừ còn cắn phải mẫu mứt bí… bỗng thấy đời ngọt thêm tí nữa. Bởi thế, bánh trung thu xứng đáng được đứng đầu danh sách bị truy nã của Cục Điều Tra Phòng Chống Tiểu Đường. Số bệnh nhân tiểu đường ở Mỹ là 10.8% - 29 triệu người, vài cái bánh trung thu là đủ để đưa các quý ông bà này đến phòng cấp cứu vì đường huyết mất kiểm soát. Tuy nhiên, con số người có nguy cơ bị tiểu đường - hay còn gọi là tiền tiểu đường - thì lớn hơn nhiều, 86 triệu - gần như  50% số người trưởng thành.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Một lần nữa, bánh trung thu là một tác nhân ngọt ngào để giúp các bệnh nhân dự khuyết này được vinh dự đứng vào hàng ngũ chính thức của bệnh tiểu đường. Con số bệnh nhân tiểu đường ở Việt Nam thấp hơn, khoảng 6% trong tuổi trưởng thành. Con số người ở diện tiền tiểu đường chưa được đánh giá nhưng chắc chắn không phải là hiếm. Mặt khác, nhiều loại bánh còn được đánh giá là quá béo. Thật vậy, với 4 lòng đỏ trứng, rất nhiều lạp xưởng, thịt mỡ và bơ trộn lẫn, hàm lượng chất béo trong bánh trung thu là rất cao. Tuy bánh trung thu chỉ dùng trong thời gian ngắn và việc tăng chất mỡ ăn vào tạm thời không đem lại hậu quả nghiêm trọng tức thời, các Bác sĩ tim mạch không vui vẻ gì khi thấy bệnh nhân của mình nôn nao chờ đợi mùa bánh trung thu.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Quá bổ. Ngay cả không dùng đến bào ngư, vi cá mập thì bánh trung thu vẫn là một thực phẩm siêu “bổ”. Khái niệm “bổ” ở đây không có nghĩa là tốt hay là dinh dưỡng cao, mà là số calories mà nó đem vào cơ thể của người tiêu dùng. Các bà vợ cằn nhằn các ông chồng về chuyện bia bọt, nhưng mỗi chai bia thật ra chỉ cung cấp khoảng 150 calories. Một bữa ăn thông thường chỉ cung cấp từ 500 - 700 calories. Trong khi đó, một cái bánh trung thu 200gr có thể đưa vào cơ thể trên dưới 1000 calories, gần ½ nhu cầu năng lượng mỗi ngày. Một con số thường được các nhà dinh dưỡng thường dùng là 3500 calories tương xứng với 1 lbs cân nặng cơ thể (450gr). Tuy không thật chính xác nhưng tiêu thụ 2 cái bánh trung thu mỗi ngày trong 1 tuần, bạn có cơ may lên được 4 lbs. Có thể điều này bị phóng đại đôi chút nhưng hàm lượng calories cao của bánh trung thu là điều không thể phủ nhận được. Việc vui miệng của bạn có thể đem lại những thay đổi nhanh chóng đấy.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Quá dễ hỏng. Phần lớn bánh trung thu được tạo bởi rất nhiều thành phần: đường, bột, bơ, mỡ, các loại mứt, các loại hạt, lạp xưởng, trứng và trứng muối và thêm nhiều thứ khác tùy loại.  Trừ những công ty lớn, khá nhiều nơi bánh được sản xuất bằng thủ công. Bản thân các thành phần trong bánh cũng rất dễ hỏng nếu được bảo quản không đúng. Quá trình chế biến thủ công gặp rủi ro nhiễm các tác nhân gây bệnh – đặc biệt là các vi khuẩn và ký sinh trùng đường ruột. Bánh giữ lâu ngày có nguy cơ bị nhiễm nấm, đặc biệt vì trong bánh có độ ẩm nhất định và nồng độ đường quá cao.

Một chi tiết rất đặc trưng của bánh trung thu là mức lợi nhuận rất cao. Do đó, mỗi mùa trung thu, trừ các loại bánh của các công ty lớn được bày bán ở thành thị, các vùng sâu vùng xa là nơi mà các loại bánh trung thu “made in nhà tui” tung hoành. Do làm thủ công, tại nhà và chạy theo lợi nhuận, các loại bánh này dùng vật liệu không đảm bảo và quuy trình ít khi nào đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Nói cách khác, các loại bánh “hàng chợ” có màu sắc sặc sở và giá cả vô cùng hợp lý nhưng làm gia tăng nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm một cách đáng kể.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Bất chấp các “xấu xa” nói trên, bánh trung thu vẫn tiếp tục là một truyền thống văn hóa đáng trân trọng của chúng ta. Vì vậy, các bác sĩ đành phải lựa chọn sống chung hòa thuận với nó. Các biện pháp để sống sót qua mùa trung thu bao gồm:

  • Ăn sạch: Chọn bánh đảm bảo chất lượng, đừng vì giá rẻ mà mua bánh trôi nổi không rõ xuất xứ. Chú ý đến ngày sản xuất và ngày quá hạn. Nên ăn bánh với trà, vừa đúng điệu vừa đúng sách. Chọn loại bánh phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình.
  • Ăn vừa đủ: Chỉ dùng một góc thay vì cả bánh, ăn chậm dần thay vì ngay trong một lúc. Điều chỉnh chế độ ăn và sinh hoạt hàng ngày để điều hòa bớt số năng lượng và chất béo dư thừa. Có thể giảm khẩu phần ăn và tăng thời gian thể dục nếu được. Mùa trung thu chỉ ăn bánh vài ngày thay vì trường kỳ cả tháng.

Chú ý nghiêm ngặt hơn nếu biết mình trong diện nguy cơ: tiểu đường hoặc tiền tiểu đường, có bệnh mạch vành hay tăng mỡ máu, béo phì.

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com hay Đăng ký qua link: https://goo.gl/TNGSa8 để đặt hẹn và được tư vấn.

Gửi câu hỏi