THÔNG TIN Y KHOA | TIÊU HÓA - GAN MẬT
Nhiễm siêu vi viêm gan B - Nguy cơ tiềm ẩn của xơ gan và ung thư gan
Viêm gan do siêu vi B đang là mối quan tâm sức khỏe toàn cầu khá quan trọng và còn là một trong các bệnh nhiễm siêu vi thường gặp nhất. Trên toàn thế giới có khoảng 2 tỉ người nhiễm siêu vi và hơn 240 triệu người bị nhiễm siêu vi viêm gan B mạn tính. Hàng năm có khoảng 780.000 người tử vong vì biến chứng xơ gan và ung thư gan do Viêm gan B. Bệnh này khá phổ biến ở các nước đang phát triển như Châu Phi, hầu hết Châu Á và Vùng Thái Bình Dương, Việt nam nằm trong vùng có tỉ lệ lây nhiễm cao 8%. Mặc dù nhiều người bị nhiễm siêu vi viêm gan B mạn có thể sống lâu và khoẻ mạnh, nhưng có 10-20% người sẽ bị viêm gan B tiến triển thành xơ gan và ung thư gan nếu không được điều trị sớm.
Tác nhân nào gây bệnh Viêm gan siêu vi B?
Viêm gan siêu vi B do một loại siêu vi nhỏ mang DNA thuộc họ Hepadnaviridae. Siêu vi này xâm nhập vào cơ thể dưới dạng hạt tử Dane, các hạt tử này từ máu di chuyển vào gan để xâm nhập vào nhân các tế bào gan. Tại đây các hạt tử này sẽ mượn nguyên liệu của tế bào để mã hóa và sao chép ra hàng loạt siêu vi mới được phóng thích ra ngoài để tiếp tục gây nhiễm cho các tế bào gan khác. Bản thân siêu vi không trực tiếp làm tổn thương tế bào gan mà do hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện các tế bào gan đã bị nhiễm và tấn công phá huỷ các tế bào này gây tổn thương gan. Khi tiến trình này tiếp diễn trong thời gian dài trong nhiều năm, mô gan bị tổn thương sẽ thành những mô sẹo có thể dẫn đến xơ gan và suy gan, hơn nữa có một tỉ lệ diễn tiến ung thư gan.
(Ảnh minh họa: Nguồn internet)
Tuy nhiên, không phải người nào bị nhiễm siêu vi viêm gan B cũng sẽ bị nhiễm siêu vi hoạt động suốt đời. Một số người có khả năng lọai sạch siêu vi trước khi chuyển thành viêm gan B mạn tính, tình huống này xảy ra trong 6 tháng đầu tiên của nhiễm trùng đôi khi gây ra triệu chứng viêm gan nặng như vàng da, sốt, mệt mỏi… được gọi là viêm gan cấp, nhưng phần lớn không có triêu chứng trong giai đọan này. Trên 90% người lớn có hệ miễn dịch lành mạnh, khỏe sẽ phục hồi sau đợt nhiễm siêu vi cấp tính trong khi chỉ có 10% chuyển thành người mang siêu vi mạn tính. Tuy nhiên, người bị nhiễm siêu vi nếu bị lây nhiễm từ mẹ lúc sinh thì 90% khả năng sẽ trở thành người mang siêu vi mạn tính. Trước đây có thuật ngữ “người mang mầm bệnh lành tính” có ý nghĩa siêu vi chung sống hòa bình với cơ thể. Với quan điềm này dễ làm cho ngưới mang siêu vi B mất cảnh giác trong thời gian dài. Thực sự đó chính là một kẻ thù thầm lặng trong cơ thể có thể gây tổn thương tế bào gan từ mức độ nhẹ đến nặng trong nhiều năm và cũng tiềm ẩn nguồn lây nhiểm trong gia đình và cộng đồng.
Siêu vi viêm gan B lây nhiễm bằng đường nào?
Siêu vi viêm gan B lưu hành trong máu có thể lây nhiễm qua các đường sau:
- Mẹ lây truyền cho con khi trong quá trình chuyển dạ, đây là đường lây truyền quan trọng nhất.
- Đường tình dục: Siêu vi viêm gan B có thể lây qua hoạt động tình dục đồng giới hoặc khác giới
- Đường máu: Siêu vi viêm gan B lây nhiễm khi truyền máu hoặc chế phẩm của máu có nhiễm siêu vi; khi tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân viêm gan B; dùng kim tiêm có nhiễm siêu vi; xăm mình châm cứu, xỏ lỗ tai với dụng cụ không được khử trùng đúng cách.
Điều gì sẽ xảy ra với gan khi nhiễm siêu vi viêm gan B?
Viêm gan siêu vi B cấp xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tiêu diệt siêu vi ồ ạt, cuộc chiến này làm tế bào gan bị hư hại nhiều (men gan tăng cao), nếu sự tổn thương tế bào gan quá lớn sẽ dẫn đế suy tế bào gan nặng gọi là viêm gan tối cấp. Người bệnh sẽ có biểu hiện giống như cảm cúm, thỉnh thoảng có cảm giác buồn nôn, ói mữa, sụt cân, ăn kém ngon, ngứa khắp người. Có thể nặng hơn với triệu chứng sốt, vàng da, vàng mắt, đau bụng, đau khớp, đau cơ, nước tiểu có màu vàng sậm, và nếu rơi vào viêm gan tối cấp có thể bị tử vong…
Viêm gan siêu vi B mạn do hê thống miễn dịch của cơ thể không đủ mạnh nên cuộc chiến đấu dai dẳng nhiều năm. Giai đoạn này hầu như không có triệu chứng, người bệnh luôn cảm thấy sức khoẻ bình thường hoặc đôi khi có mệt mỏi, chán ăn thoáng qua nhưng cuối cùng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như xơ gan, và các biến chứng như có nước trong ổ bụng thường gọi là cổ chướng, chảy máu đường tiêu hoá, ung thư gan. Một khi bệnh đã diễn tiến xơ gan thường khó hồi phục mặc dù tình trạng viêm gan được cải thiện. Vì vậy cần điều trị bệnh sớm nhằm ngăn ngừa họăc làm chậm quá trình xơ gan.
Người mang mầm bệnh: khi cơ thể nhiễm siêu vi viêm gan B nhưng không có dấu hiệu viêm gan. Siêu vi có vẻ “chung sống hòa bình” với người bị nhiễm siêu vi suốt cuộc đời. Tuy nhiên, một lúc nào đó trở thành thủ phạm gây bệnh cho chính người bị nhiễm siêu vi và lây truyền cho người khác. Vì vậy người bị nhiễm siêu vi cần cảnh giác bằng cách đến gặp bác sĩ mỗi 3-6 tháng tùy trường hợp để được kiểm tra định kỳ.
Việc phát hiện nhiễm siêu vi viêm gan B không khó và không tốn nhiều thời gian. Qua khám sức khỏe định kỳ hoặc xét nghiệm máu tầm soát siêu vi B tại các cơ sở y tế với xét nghiệm HBsAg. Nếu HBsAg dương tính, cần được bác sĩ tư vấn thực hiện HBV DNA định lượng và các chỉ số đánh giá về chức năng gan. Nếu HBsAg âm tính cho biết hiện không nhiễm siêu vi B cần xác định thêm đã có kháng thể Anti HBs chưa, nếu chỉ số này âm tính nên chủng ngừa viêm gan B.
Nên làm gì khi bị nhiễm siêu vi Viêm gan B ?
Khi phát hiện mình bị nhiễm siêu vi viêm gan B, trước tiên là người bị nhiễm siêu vi nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám và tư vấn kỹ để có chương trình theo dõi và điều trị lâu dài nhằm tránh được diễn tiến xơ gan và ung thư gan. Cần lưu ý không phải tất cả các trường hợp nhiễm siêu vi viêm gan B điều cần thiết điều trị với thuốc kháng siêu vi. Việc điều trị cần được đánh giá kỹ lưỡng bởi Bác sĩ chuyên khoa về mức độ sao chép của siêu vi, tình trạng tổn thương của tế bào gan, lứa tuổi….
Ngoài ra thay đổi lối sống cũng có thể một phần giúp người bị nhiễm siêu vi kiểm soát được viêm gan B vì một lối sống lành mạnh cũng giúp bảo vệ gan và ngăn ngừa sự tiến triển đến xơ gan:
- Ăn uống hợp lý: Chế độ ăn tốt nhất chỉ chứa vừa đủ chất dinh dưỡng và năng lượng thiết yếu. Tuy nhiên cũng không nên kiêng khem quá mức mà là cần cân đối, đa dạng đủ chất đạm, hạn chế chất béo, giảm muối, uống nhiều nước.
- Vận động để khỏe mạnh: Tập thể dục tuy không thải trừ được siêu vi ra ngoài nhưng có tác dụng giúp người bị nhiễm siêu vi giữ cơ thể khỏe mạnh. Người bị nhiễm siêu vi có thể đi bộ, tập bơi, yoga hoặc thái cực huyền. Tuy nhiên cần nhớ là không nên tập luyện quá sức vì có thể làm cho hệ miễn dịch của người bi nhiễm siêu vi yếu đi.
- Uống rượu khi đang bị viêm gan B có làm bệnh nặng hơn, càng uống rượu người bị nhiễm siêu vi càng đặt mình vào tình trạng nguy hiểm gây tổn thương gan có thễ dẫn đến xơ gan kể cả ung thư gan.
- Bỏ hút thuốc lá: vì gan chịu trách nhiệm phân hủy các hoá chất độc hại và những chất nay gồm có các chất độc trong khói thuốc. Để giữ cho gan khoẻ mạnh và cải thiện tình trạng sức khoẻ chung cho cơ thể người bị nhiễm siêu vi nên bỏ hút thuốc lá.
Thận trọng khi điều trị với các thuốc và các loại thảo mộc vì một số trong các chất này được chuyển hoá tại gan, nếu sử dụng sẽ làm tăng gánh nặng cho gan của khi còn phải đối phó với nhiễm siêu vi viêm gan B. Cần lưu ý các thuốc kháng viêm không chứa steroid, acetaminophen và các thuốc từ thảo mộc có thể gây độc cho gan vì vậy khi cần sử dụng phải hỏi ý kiến của bác sĩ.
Điều trị viêm gan siêu vi B
Siêu vi viêm gan B khó có thể loại bỏ hoàn toàn ở người bị Viêm gan B mạn. Tuy vậy mục đích điều trị bệnh VGSVB là kiểm soát được siêu vi nhằm ngăn ngừa các biến chứng, phục hồi tổn thương gan, giảm nguy cơ diễn tiến xơ gan và ung thư gan.
Nhờ vào những tiến bộ y học trong hơn 2 thập niên qua đã ra đời nhiều thuốc kháng siêu vi với hai nhóm thuốc; interferon và các đồng phân nucleos(t)ide: lamivudine, telbivudine, adefovir, entecavir,tenofovir.
Phương thức điều trị với thuốc uống đồng phân nucleos(t)ide có tác dụng kháng siêu vi mạnh nhưng khi điều trị kéo dài sẽ xuất hiện tình trạng kháng thuốc. Hiện nay là entecavir và tenofovir thường được chọn vì mức độ kháng thuốc thấp. Tuy nhiên cũng chỉ đạt được mục tiêu giảm tổn thương tế bào gan và ức chế sao chép siêu vi, còn hiệu quả mất HBsAg rất thấp. Trong quá trình điều trị dù có thể ức chế tốt sự sao chép của siêu vi, khi ngưng thuốc tái phát siêu vi sẽ xảy ra và có thể gây bùng phát viêm gan. Chính vì vậy điều trị bằng thuốc uống như trên cần duy trì kéo dài nhiều năm theo từng trường hợp, cần phải tuân thủ việc điều trị nghiệm ngặt và được theo dõi định kỳ với hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Thuốc điều trị viêm gan B bằng đường tiêm chích hiện nay được ưa chuộng là Peginterferon có thể chọn lựa cho điều trị đầu tiên hoặc đã thất bại với thuốc uống vì có ưu điểm là khả năng đáp ứng miễn dịch bền vững, duy trì chuyển đổi huyết thanh kéo dài sau khi ngưng thuốc và có tỉ lệ mất HBsAg cao hơn và rút ngắn thời gian điều trị 48 tuần. Việc chọn lựa này cần xem xét khả năng đáp ứng của từng cá nhân, chi phí cao, và không được chỉ định cho bệnh nhân có xơ gan mất bù, rối loạn tâm thần, bệnh tim mạch và bệnh tuyến giáp. Ngoài ra có tác dụng phụ là triệu chứng giả cúm, mệt mỏi, giảm tế bào máu, thay đổi chức năng tuyển giáp nên cần được theo dõi chặt chẽ trong liệu trình.
Nên làm thế nào để tránh lây nhiễm cho người khác
Khi được phát hiện bị nhiễm siêu vi viêm gan B nguy cơ lây nhiễm cho những người chung quanh nhất là người thân cũng là mối quan tâm cần thiết. Trước hết những người thân như cha mẹ, anh em ruột, vợ chồng, con cái cần được xét nghiệm để tầm soát có bị nhiễm siêu vi viêm gan B chưa.
Nếu chưa bị nhiễm tốt nhất nên được chủng ngừa vaccin. Người mang mầm bệnh cần có biện pháp đề phòng như không dùng chung các vật dụng cá nhân có nguy cơ lây nhiễm như: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, dụng cụ cắt móng tay…; tránh làm vây máu khi bi vết thương, hay lau sạch máu bằng thuốc sát trùng. Nên sử dụng biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục.
Phụ nữ mang thai có nhiễm siêu vi viêm gan B với HBe dương tính có nguy cơ lây nhiễm cho trẻ khi sinh là 90% vì vậy cần phải được xét nghiệm HBsAg khi có thai và nếu bà mẹ bị nhiễm cần được đến Bác sĩ chuyên khoa tư vấn điều trị phòng ngừa lây nhiễm và chích ngừa cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.
Khi biết mình bị nhiễm siêu vi viêm gan B có thể người bi nhiễm siêu vi sẽ mang tâm trạng lo lắng nhiều, thường bị áp lực về tâm lý. Vì vậy tốt nhất nên được gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn kế hoạch theo dõi chọn lựa cách điều trị nào tốt nhất để bảo vệ gan của người bị nhiễm siêu vi.
BS CKII Trần Ánh Tuyết
Giám đốc Y khoa, Trưởng khoa Tiêu hóa – Gan mật
Phòng khám Đa khoa Quốc tế YERSIN
___________________________________________________________________________________
Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com hay Đăng ký qua link: https://goo.gl/TNGSa8 để đặt hẹn và được tư vấn.