THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT

Chống nóng đúng cách

Thời tiết đang trở nên rất nắng và nóng. Nhiều người nghĩ ra những phương cách khác nhau để chống nóng, thậm chí còn có những cách rất kỳ lạ. Chẳng hạn như: dán miếng hạ sốt, thỉnh thoảng lại vào xối nước lên người, liên tục nhúng khăn ướt đắp lên đầu, mặt và cổ, liên tục ngâm chân tay trong chậu nước, để miếng chườm lạnh vào tủ lạnh rồi lấy ra quấn quanh người...

1. Nhờ bác sĩ tư vấn, những cách chống nóng kể trên đúng/sai như thế nào?

2. Nếu sai thì sẽ gây hại cho cơ thể (da, hệ hô hấp...) ra sao?

3. Có những cách nào để chống nóng hiệu quả mà vẫn đảm bảo sức khỏe?

4. Nếu phải chạy ngoài đường dưới nắng gắt liên tục sẽ có những nguy cơ như thế nào cho sức khỏe (cảm nắng, say nắng, cháy nắng...)? Có những cách nào để giảm tác động của nắng nóng?

(Báo Phụ Nữ Chủ Nhật)


Trả lời:


Bạn đọc thân mến,

Trời nắng nóng làm ai cũng cảm thấy khó chịu trong người. Từ trong nhà ra ngoài đường, từ các cụ già đến các em bé, ai cũng có những cách riêng để đối phó với "giặc nóng". Tuy nhiên, có nhiều giải pháp mát nhất thời, nóng về sau hoặc tệ hơn, giống như đổ dầu vô lửa ...không ích lợi gì nếu không nói là có hại. Trước hết, phải biết là bản thân cơ thể con người đã là một hệ thống điều hòa nhiệt độ tuyệt vời với nhiệt độ lúc nào cũng bình ổn khoảng 37 độ C, bất kể điều kiện bên ngoài. Sự điều hòa này dựa trên cân bằng động giữa hai hệ thống sinh nhiệt (hóa học = các hệ thống chuyển hóa trong cơ thể và cơ học = vận động thể chất) và hệ thống thải nhiệt (bao gồm các cơ chế bức xạ nhiệt, truyền nhiệt và tán nhiệt - kèm với quá trình mất nhiệt qua sự bay hơi của mồ hôi). Mọi hành động hay giải pháp "làm mát" nói chung đều tác động vào hai hệ thống sinh nhiệt/thải nhiệt này.

Khi trời nóng, các cảm quan nhiệt ở da khởi phát một loạt phản ứng dây chuyền để làm gia tăng sự thải nhiệt và cắt giảm sự sinh nhiệt. Các phản ứng thường gặp có thể là không tự chủ: dãn mạch da, đổ mồ hôi, giảm tốc độ chuyển hóa, cũng có thể là tự chủ: thay quần áo thoáng, tìm quạt hay điều hòa, muốn nghĩ ngơi hay ngủ, uống nước lạnh hay đi tắm v.v...

1. Một số giải pháp đơn giản và hợp sinh lý có thể hữu ích tuy không giá trị vì thời gian quá ngắn hoặc không thuận tiện. Đắp khăn ướt, xối nước, đi tắm liên tục một mặt giúp tăng cường sự thải nhiệt qua cơ chế truyền dẫn. Mặt khác, việc làm mát- làm lạnh vùng da bề mặt cơ thể thông qua các cảm quan tại chỗ gửi "những tín hiệu xoa dịu" tạm thời về bộ xử lý trung tâm. Do đó, làm cơ thể thấy dễ chịu hơn. Tuy nhiên, việc làm lạnh, làm mát cơ thể này lập tức sẽ ngăn cản tình trạng dãn mạch ở da và sự bài tiết mồ hôi. Do đó, sẽ ngăn cản sự thải nhiệt trong một thời gian ngắn sau đó. Nói cách khác, khi nhiệt độ môi trường vẫn cao thì chỉ trong một thời gian ngắn, mèo lại hoàn mèo và nóng vẫn hoàn nóng.

Xét cho cùng, đây chỉ là những cách chữa cháy thay thế cho các máy điều hòa đắt tiền mà thôi. Một số giải pháp bình dân như quạt kèm nước đá, quạt kèm chậu nước cũng có chung tác dụng.

Dùng biện pháp quá khích như dùng miếng chườm lạnh quấn quanh người có hại nhiều hơn lợi vì sự thay đổi nhiệt độ đột ngột và quá mức có thể dẫn đến tổn thương da do lạnh (bỏng lạnh). Các cảm quan nhiệt độ ở da nhiều khi cũng bị " điên cái đầu" do hết nóng rồi lạnh, lạnh rồi nóng  nên nguy cơ bị chập mạch gây nên các phản ứng khác nhau. Miếng dán hạ sốt cũng là một giải pháp " không giống ai " khác vì vấn đề ở đây là nóng bên ngoài môi trường chứa không phải sốt bên trong cơ thể. Chưa kể đến việc tác dụng hạ sốt của nó cũng là một dấu hỏi to tướng. Lợi đâu chưa thấy nhưng cái hại trước mắt là việc dán các miếng này làm che mất một vùng da đang cần thóat nhiệt bằng  bức xạ và đổ mồ hôi.

2. Ở một xứ nóng quanh năm như nước ta, ai cũng phải có bí quyết chống nóng hiệu quả. Sau đây là những gợi ý:

a. Theo dõi nhiệt độ mỗi ngày trên điện thoại giúp biết trước những ngày ' SIÊU NÓNG" để có chuẩn bị phù hợp.

b. Tác động nghiêm trọng nhất khi trời nắng nóng là việc mất nước do đổ mồ hôi và bay hơi: NÊN CHÚ Ý UỐNG NHIỀU NƯỚC TRONG NGÀY NẮNG NÓNG. Do việc mất mồ hôi kèm mất nước và muối khoáng, nên uống các loại nước khoáng và nước hoa quả. Lượng uống cần khoảng 2-2.5l ở người lớn. Mặt khác, nên uống trước khi cảm thấy cơn khát xuất hiện.

(Hình ảnh: nguồn internet)

c. Trẻ em và người già là hai đối tượng dễ bị mất nước và lại ít quan tâm đến việc uống nước đầy đủ. Cần nhắc nhở và có biện pháp kiểm tra thường xuyên. Một số nước có nhiệt độ cao quá mức có thể dẫn để tử vong cho các cụ già sống đơn lẻ hoặc các trẻ em bị bỏ quên trong xe cũng vẫn thường xuyên xảy ra.

d. Cách ăn mặc: Chọn quần áo vải nhẹ, thoáng và sáng màu. Tránh các chất liệu ngăn cản bốc hơi như nylon hay polyester. Đội mũ rộng vành nếu được. Đeo kính râm và dùng thêm kem chống nắng. Các bộ quần áo ninja giúp bảo vệ làn da của chị em nhưng rất tệ trong việc giúp cơ thể thải nhiệt. Do đó, nên cân nhắc việc sử dụng nếu cần di chuyển trong thời gian dài.

e. Chế độ sinh hoạt và làm việc: Nếu biết trước về một ngày nóng sắp đến, việc chọn lựa phương pháp di chuyển, giờ làm việc, tập luyện hoặc lịch hẹn công tác vào những thời điểm phù hợp sẽ giúp không ít trong việc “ đối đầu cùng thời tiết”. Điều chỉnh cường độ làm việc và nhịp điệu nghỉ ngơi phù hợp. Nếu sắp xếp kỳ nghỉ cuối tuần ở bãi biển, tốt nhất nên xem dự báo về thời tiết nhiệt độ từ 5 đến 7 ngày trước đó. Ở nhà hay ở cơ quan nên đặt điều hòa vừa phải, tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột từ quá nóng sang qua lạnh sẽ dễ bị cảm.

3. Nếu phải đi ngoài đường dưới ánh nắng liên tục, bạn có thể đối diện với nhiều nguy cơ khác nhau:

a. Trước mắt: Say nắng hay cảm nắng là từ dân gian được dùng để chỉ tình trạng choáng váng, chóng mặt khi di chuyển lâu dưới nắng gắt. Bệnh sinh ra do tăng thân nhiệt kèm với mất nước. Nghỉ ngơi và bù nước có thể giúp hồi phục nhanh chóng. Tuy nhiên, những trường hợp nặng hơn có thể kèm thân nhiệt cao bất thường hơn 40 độ C và bệnh nhân rơi vào choáng (Đột quỵ do nắng nóng). Bệnh diễn tiến nhanh đưa đến hôn mê và tử vong nếu không điều trị kịp thời.

b. Lâu dài: Việc phơi nhiễm da trần lâu ngày dưới ánh tử ngoại làm tăng nguy cơ bị ung thư da, chưa kể đến việc làm xấu đi làn da của các bạn gái.

Để hạn chế nguy cơ gây ra do nắng nóng, bạn có thể chọn lựa nhiều cách:

- Thay đổi phương tiện di chuyển bằng xe hơi

- Nếu bắt buộc dùng xe máy, điều chỉnh thời gian đi lại

- Chú ý phân phối thời gian di chuyển và nghỉ ngơi hợp lý kèm việc bổ sung nước đầy đủ

- Trang phục phù hợp giúp thải nhiệt hiệu quả

- Dùng kem chống nắng

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)


Nói chung, nóng là hiện tượng rất bình thường ở nước ta nhưng để sống chung với nóng, cũng cần biết một số kiến thức căn bản như trên. Mặt khác, cẩn trọng trong những ngày “đặc biệt nóng” sẽ giúp chúng ta tránh được nhiều rủi ro không cần thiết.

Thân mến,


Bác sĩ Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin.

Gửi câu hỏi