THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT
5 THÓI QUEN TỐT CHO SỨC KHỎE THEO CHUYÊN GIA
Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch và môi trường, Ngày Sức khỏe Thế giới năm 2023 - Kỷ niệm 75 năm thành lập WHO lấy chủ đề “Sức khỏe cho mọi người”. Hưởng ứng ngày này, Khám Online gửi đến tất cả bạn đọc những lời khuyên từ chuyên gia về các thói quen giúp cải thiện sức khỏe.
Sức khỏe không thể cải thiện chỉ sau một hai ngày mà phải trải qua một quá trình dài duy trì các thói quen lành mạnh. Dưới đây là 5 thói quen tốt cho sức khỏe đã được các nghiên cứu chứng minh mà bạn nên bắt đầu từ hôm nay.
1. Theo dõi chỉ số BMI
BMI (Body Mass Index) là chỉ số tính trên cân nặng và chiều cao, được Cơ quan kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ - CDC sử dụng để xác định một người bị béo phì hay suy dinh dưỡng. Chỉ số này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá tình trạng sức khỏe và chẩn đoán các bệnh lý nguy hiểm.
Khi thăm khám sức khỏe tại các cơ sở y tế, việc đầu tiên các nhân viên y tế thực hiện cho bạn là đo cân nặng và chiều cao. Cách tính chỉ số này vô cùng đơn giản và bạn hoàn toàn có thể theo dõi thường xuyên tại nhà để chủ động kiểm soát sức khỏe của bản thân:
BMI=(Cân nặng)/(Chiều cao x Chiều cao)
Trong đó cân nặng tính bằng kilôgam, chiều cao tính bằng mét.
Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì chỉ số BMI của một người trưởng thành dưới 18,5 là nhẹ cân, 18,5-24,9 là bình thường, 25-29,9 là thừa cân và từ 30 trở lên là béo phì.
2. Nguyên tắc cái đĩa trong ăn uống
Bạn có gặp khó khăn trong việc đảm bảo chế độ ăn lành mạnh nhưng vẫn ngon miệng? Nguyên tắc cái đĩa chính là cách thức dễ dàng để giải quyết vấn đề trên.
Nguyên tắc cái đĩa là một nguyên tắc ăn uống được nghiên cứu bởi Đại học Harvard, Hoa Kỳ hướng đến việc định lượng chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của cá nhân một cách khoa học và tối ưu nhất. Điểm nổi bật của nguyên tắc này là bạn cân bằng được giữa “ngon miệng” và “tốt cho sức khỏe”.
Nguyên Tắc Cái Đĩa theo Đại học Harvard, Hoa Kỳ
Chúng ta hay truyền tai nhau nên cắt giảm tinh bột hay chất đạm để giữ cân nặng và khỏe mạnh hơn. Nguyên tắc trên đã chỉ ra rằng 2 nhóm này đều là thực phẩm thiết yếu trong bữa ăn hằng ngày, điều quan trọng là bạn cần đảm bảo lượng ăn phù hợp.
3. Vận động bất cứ khi nào có thể
Thường xuyên thể dục thể thao là lời khuyên sức khỏe mà bạn có thể thấy ở bất kỳ đâu. Tuy nhiên trong thời buổi bận rộn, đặc biệt nếu bạn làm việc văn phòng thì thật khó để sắp xếp thời gian tham gia các hoạt động thể chất.
Nghiên cứu cho thấy chỉ cần 15 phút hoạt động mỗi ngày có thể tăng tuổi thọ lên 3 năm. Hơn thế nữa, khi thường xuyên vận động cơ thể bạn tiết ra hóoc môn endorphine khiến tinh thần sảng khoái và giải tỏa căng thẳng hiệu quả.
Bạn có thể bắt đầu những hành động đơn giản như:
- Đi thang bộ thay vì thang máy khi bạn chỉ đi 1-2 tầng
- Sử dụng một ly nước nhỏ buộc phải di chuyển để lấy nước nhiều lần trong ngày
- Đi ra ngoài ăn trưa thay vì đặt giao hàng hoặc dùng bữa trưa ở nơi khác
- Tranh thủ chút thời gian dọn dẹp bàn làm việc, nhà cửa mỗi ngày
- Chăm sóc cây cối hay chơi với thú cưng cũng cách vận động nhẹ nhàng mà đem lại nhiều hứng thú
4. Kiểm soát căng thẳng và lo âu
Sức khỏe thể chất và tinh thần có sự liên kết chặt chẽ, khi một trong hai gặp tổn thương thì yếu tố còn lại khó mà không bị ảnh hưởng. Khoa học đã chứng minh rằng căng thẳng và lo âu có thể khiến cơn đau bụng nặng hơn hoặc thậm chí chính nó là nguyên nhân của chứng đau dạ dày.
Vì vậy khả năng kiểm soát sức khỏe tinh thần, làm chủ những áp lực và khủng hoảng là điều người khỏe mạnh nào cũng cần biết. Mỗi người sẽ phù hợp với cách thức giải tỏa căng thẳng khác nhau nhưng tuyệt nhiên, sử dụng chất kích thích và thức uống có cồn không là giải pháp trong mọi trường hợp.
Những phương pháp thoát khỏi “stress” mà bạn có thể thử:
- Tạm dừng tất cả việc đang làm, cho tinh thần và trí óc một khoảng trống để nghỉ ngơi
- Ngưng lảng tránh và đối mặt trực diện với vấn đề, tháo dở các mấu chốt gây căng thẳng
- Cố gắng suy nghĩ 2 chiều, liệt kê ra giấy những mặt tiêu cực và cả những mặt tích cực
- Gặp gỡ bạn bè và trò chuyện giúp giải tỏa những năng lượng xấu bên trong
- Thư giãn sâu bằng những phương pháp như thiền, tập yoga,…
- Dành thời gian cho những sở thích và hoạt động bạn cảm thấy hứng thú
5. Khám sức khỏe tổng quát định kỳ
Khám sức khỏe tổng quát định kỳ không còn xa lạ ở các quốc gia phương Tây nhưng đối với người phương Đông, khái niệm này còn mới mẻ và chưa được quan tâm đúng mực. Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo người trưởng thành nên khám tổng quát định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát sớm ung thư và các bệnh lý nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Có phải bạn thường chỉ tìm đến bác sĩ khi các triệu chứng đã nghiêm trọng? Điều này rất nguy hiểm vì điều trị bệnh ở giai đoạn muộn có độ hiệu quả thấp và chi phí tốn kém, khi bệnh đã chuyển nặng thì biến chứng càng khó lường hơn.
Đi đầu trong xu hướng Y học dự phòng, khám sức khỏe tổng quát chính là giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa những căn bệnh nguy hiểm phát triển âm thầm như tiểu đường, bệnh lý tim mạch, đột quỵ,… có thể phát hiện sớm thông qua một buổi thăm khám.
Tham khảo: Khám sức khỏe tổng quát gồm những gì?
Quan tâm sức khỏe thôi chưa đủ, bắt đầu hành động và kiên trì xây dựng thói quen tốt cho sức khỏe mới là điều mỗi người cần làm để nâng cao chất lượng cuộc sống. Khám Online mong những thông tin trên đã giúp bạn và gia đình có thêm động lực để xây dựng cuộc sống khỏe mạnh hơn ngay từ hôm nay!
KHÁM ONLINE