THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT

BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG VÀ NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Việt Nam được xếp nằm trong 10 quốc gia có tỷ lệ gia tăng bệnh nhân đái tháo đường cao nhất thế giới với tỷ lệ bệnh nhân tăng 5,5% mỗi năm. Đặc biệt, người mắc bệnh đái tháo đường không chỉ gia tăng mà ngày càng trẻ hoá. Bạn đã biết những gì về căn bệnh nguy hiểm này? Cùng đọc những chia sẻ và lời khuyên từ Bác sĩ Phan Hữu Tú, chuyên khoa 1 Nội Tiết, Phòng khám Quốc tế YERSIN khi nói về căn bệnh này nhé!

Tổng quan về bệnh lý đái tháo đường

Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh lý về nội tiết, trong đó cơ thể thiếu hụt insulin (thiếu hụt hoàn toàn hoặc thiếu hụt một phần) do tuyến tụy tiết ra, có thể kèm theo đề kháng insulin hoặc không.

Bệnh tiểu đường có thể gây ra những biến chứng rất nghiêm trọng. Biến chứng cấp tính có thể bị hôn mê do đường  trong máu tăng cao, biến chứng mãn tính: xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Ngoài ra, còn có biến chứng về mắt: đục thủy tinh thể, mù mắt. Người bệnh cũng dễ bị mắc các bệnh nhiễm trùng về da, đường tiểu, bàn chân…

1/ Chế độ ăn uống và tập luyện cho người bệnh đái tháo đường

Ăn uống như thế nào để có thể kiểm soát được lượng đường trong máu là điều rất cần thiết và quan trọng đối với các bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Bệnh nhân nên ăn ít trong mỗi bữa ăn, ăn đều đặn, không bỏ bữa và nên chia các bữa ăn chính thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày. Đối với những trường hợp đang chích insulin thì nên ăn 3 bữa chính trong ngày.

-    Kiêng ăn uống các loại đường hấp thu nhanh như bánh kẹo, mứt, nước ngọt… và hạn chế ăn các loại thức ăn giàu tinh bột như cơm, mì, hủ tiếu, cháo…

-    Không ăn các loại da, phủ tạng động vật. Nên ăn cá nhiều hơn thịt.

-    Không nên ăn mặn và tránh ăn những thức ăn chế biến sẵn như: mì tôm, patê, lạp xưởng, giò chả…

-    Giảm ăn các loại trái cây ngọt như: cam, quýt, bưởi, dưa hấu, sầu riêng, xoài; Nên ăn trái cây ít ngọt: táo, sơri…

-    Uống đủ nước, ít nhất là 2 lít/ngày

-    Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như: rau cải, bầu bí, mướp đắng, bông cải và các loại đậu.

2/ Tập thể dục rất tốt cho người bệnh tiểu đường!

Việc tập thể dục làm cho tim đập điều hòa, mạnh mẽ và làm mức đường trong máu dễ kiểm soát hơn. Người bệnh tiểu đường nên chọn những loại hình thể dục cần hoạt động chân tay nhiều và đều đặn như: chạy bộ, đi bộ, xe đạp, bơi lội… Mỗi ngày khoảng 30-45 phút và 5 ngày/tuần. Hãy tạo thói quen tập thể dục đều đặn,

Ngoài chế độ ăn uống thích hợp và luyện tập thể dục đều đặn, bệnh nhân phải được bác sĩ thường xuyên theo dõi để có những hướng dẫn chi tiết cụ thể phù hợp với tình trạng bệnh lý và những bệnh lý đi kèm nhằm hạn chế thấp nhất các biến chứng có thể xảy ra.

3/ Cần tuân thủ chỉ định thuốc của bác sĩ

Theo Hiệp hội ĐTĐ Hoa Kỳ, điều trị ĐTĐ theo cá thể hóa,nghĩa là tùy theo từng bệnh nhân cụ thể,sau khi thăm khám BS sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho bệnh nhân đó

Việc kê toa thuốc cho bệnh nhân ĐTĐ sẽ dựa trên rất nhiều yếu tố kết hợp: độ tuổi, thời gian mắc bệnh,, loại ĐTĐ, các bệnh lý đi kèm (thận, tim, gan…). Từ đó, bác sĩ sẽ xác định mục tiêu điều trị và đưa ra toa thuốc phù hợp.

Tóm lại khi điều trị ĐTĐ, bệnh nhân cần tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục đều đặn, uống thuốc theo đơn BS, tái khám định kỳ để theo dõi điều trị ổn định.

Nhân ngày ĐTĐ thế giới 14/11, Bác sĩ chuyên môn có lời khuyên để phòng bệnh ĐTĐ:

Thứ nhất, hãy duy trì chế độ ăn uống hợp lý, cân bằng đường, đạm, chất béo, rau củ quả, vitamin và khoáng chất.

Thứ hai, tập thể dục đều đặn, giữ cân nặng lý tưởng, điều này không chỉ giúp bạn đẩy lùi căn bệnh đái tháo đường mà còn rất nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Chúc mọi người sống lành mạnh.”

Bác sĩ Phan Hữu Tú, chuyên khoa 1  Nội Tiết, Phòng khám Quốc tế YERSIN

Gửi câu hỏi