THÔNG TIN Y KHOA | NỘI SOI - TIÊU HÓA

Nội soi đại tràng ... thật sự không đau

Nội soi đại tràng là một thủ thuật tiêu hóa hữu ích để giúp phát hiện sớm và điều trị tận gốc các khối ung thư đại trực tràng. Nội soi đại tràng được khuyến cáo thực hiện thường quy sau 50 tuổi với những khoảng thời gian nhất định tùy theo cơ địa bệnh nhân. Trên thực tế, việc thực hiện nội soi đại tràng thường bị  bệnh nhân e ngại và lãng tránh vì lý do sợ đau. Vì thế, cho đến nay, các nhà nội soi đã cố gắng tìm nhiều cách khác nhau để làm giảm sự đau đớn, khó chịu của người bệnh và thuyết phục họ tham gia tích cực vào các chương trình thăm dò tầm soát định kỳ.

Khái niệm nội soi không đau đã được sử dụng rất nhiều để nhấn mạnh với bệnh nhân về sự nhẹ nhàng của nội soi. Cụm từ nội soi không đau đã được đưa ra lần đầu tiên cách đây vài chục năm, nhằm nhấn mạnh đến sự thay đổi về kỹ thuật soi. Trước đó, việc đặt ống soi vào thường chỉ là đẩy về phía trước. Việc đẩy liên tục làm cho ruột bị căng ra, tạo các xoắn và làm đau rất nhiều trong khi soi. Kỹ thuật soi mới dựa trên việc tháo xoắn và kéo ra giúp cho đoạn ruột  thẳng, ngắn và không bị xoắn vặn vè bệnh nhân sẽ ít đau hơn. Tuy nhiên, khi đưa máy qua một số chỗ gấp khúc như vùng góc gan, góc lách, bệnh nhân vẫn có cảm giác đau quặn không nhiều thì ít.


Khoảng hơn chục năm nay, khái niệm nội soi không đau một lần nữa lại được nhấn mạnh cùng với việc áp dụng kỹ thuật gây mê nhẹ với Propofol. Lần này, bệnh nhân thực sự ngủ trong khi soi và hoàn toàn không cảm thấy đau. Tuy nhiên, sau khi soi xong và hết thuốc mê thì cảm giác đau, trướng bụng vẫn xuất hiện và vẫn làm người bệnh khó chịu.


Những năm gần đây, một biện pháp mới đã được đưa ra nhằm giảm đến mức tối đa cảm giác đau đớn và khó chịu của bệnh nhân không chỉ TRONG LÚC SOI mà kể cả SAU KHI SOI. Đó là việc dùng khí carbonic (CO2) để làm căng lòng ruột thay vì dùng khí trời.


NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU TRONG QUÁ TRÌNH NỘI SOI ĐẠI TRÀNG:

 

 

Trước hết, chúng ta tìm hiểu lý do bệnh nhân bị đau trong quá trình soi. Có thể hình dung đại tràng như một quả bong bóng dài có hình chữ u ngược, với nhiều đoạn gập góc. Từ bờ đại tràng có một màng mỏng mang các mạch máu nuôi dưỡng từ trung tâm  ra.

Trong điều kiện bình thường, lòng ruột có xu hướng xẹp lại và không có nhiều khí bên trong. Khi đó, việc đẩy ống soi sẽ rất khó khăn vì không thấy rõ lòng ống ở đâu. Đồng thời, việc quan sát niêm mạc cũng không thực hiện được. Do đó, khi làm nội soi, các bác sĩ sẽ bơm một lượng khí vào để làm căng phồng lòng đại tràng lên, giúp quan sát và đẩy ống soi dễ dàng hơn. Đây cũng là nguồn gốc của mọi rắc rối.

Các hậu quả của việc bơm hơi: 

Một cuộc soi đại tràng trung bình cần bơm vào khoảng 8.2 đến 17.8 l khí. Lượng khí bơm vào này đủ để duy trì áp lực bên trong lòng ruột khoảng 22mm Hg(9-57mmHg). Khi dùng khí trời, thành phần chủ yếu của khí là N và O2 với khả năng hòa tan rất thấp và hầu như chỉ có thể thoát ra bằng cách bác sĩ chủ động hút hoặc bệnh nhân đánh hơi sau đó.

Đáng tiếc là đại tràng không phải là một ống dài, thuôn, thẳng mà có nhiều nếp gấp khúc. Các nếp gấp này có tác dụng như một cái van một chiều, chỉ cho khí đi vào mà không cho đi ra. Vì thế, khi bác sĩ kỹ thuật kém hoặc gặp ca khó ( do dính ruột sau mổ chẳng hạn) thì lượng khí bơm vào rất nhiều làm cho ruột căng phồng lên. Sự căng phồng các đoạn  ruột khác nhau quanh các điểm trụ cố định làm cho ruột xoắn vặn lên nhau và gây đau rất nhiều. 

Cơn đau trong lúc soi gây ra do sự kết hợp nhiều yếu tố với nhau nhưng hầu hết đều bị khởi phát do sự ứ đọng quá mức của lượng khí trời bơm vào. Các yếu tố này bao gồm:

-Sự xoắn vặn của các quai ruột có thể làm các mạc treo bị xoắn vặn the , giảm cung cấp máu qua các mạch máu mạc treo.

-Sự căng phồng đoạn ruột làm gia tăng áp suất bên trong lòng ruột. Khi áp suất trong lòng ruột tăng cao hơn 60mm Hg, việc lưu thông máu qua các tiểu động mạch ở thành ruột đã có thể bị ảnh hưởng. Khi áp suất tăng cao hơn 140mm Hg, thậm chí có thể có nguy cơ vỡ đại tràng.

-Bản thân sự chèn ép và căng thành ruột do ống soi bị xoắn vặn cũng trực tiếp gây cơn đau.

 

Một bác sĩ kỹ thuật tốt có thể dùng số lượng khí ít hơn nhưng việc tồn đọng khí trong lòng ruột là không thể tránh khỏi. Do đó, cơn đau trong lúc soi có thể đánh lừa được bằng thuốc mê nhưng cơn đau và sự khó chịu sau khi soi, vẫn không thể tránh khỏi.

CƠ CHẾ GIẢM ĐAU CỦA VIỆC DÙNG KHÍ CO 2 THAY CHO KHÍ TRỜI:


Thật ra thì việc sử dụng CO2 thay cho khí trời đã được đưa ra từ những năm 50 do e ngại vấn đề cháy nổ khi cắt polyp đại tràng. Về sau, khi các thiết bị cắt đốt chứng tỏ là an toàn với khí trời thì CO2 không còn được dùng với mục đích này. Bản chất của việc dùng CO2 trong nội soi đại tràng là dựa trên khả năng hấp thu nhanh của nó ( 160 lần mạnh hơn khí Nitrogen và 13 lần mạnh hơn khí O2) qua mô, đồng thời có thể thải nhanh qua hô hấp mà không làm ảnh hưởng đến pH máu hay lượng khí CO2 trong máu. Lợi dụng đặc tính hấp thu nhanh này, các bác sĩ có thể sử dụng làm căng lòng ruột để đẩy ống soi và quan sát, chỉ vài phút sau đó thì lượng khí CO2 bơm vào sẽ được hấp thu hết và bệnh nhân sẽ không có tình trạng căng chướng bụng sau khi soi. Ngay trong lúc soi, số lượng khí dùng không thay đổi đáng kể so với dùng khí trời.

CÁC KẾT QUẢ TRÊN LÂM SÀNG:


Một phân tích của Wu J và Hu B đưa ra vào năm 2012 tổng hợp số liệu của 9 nghiên cứu tiền cứu có kiểm soát, so sánh giữa việc dùng CO2 và khí trời trong nội soi đại tràng đã cho thấy không có sự khác biệt về thời gian soi đến manh tràng, tỷ lệ soi được đến manh tràng, tổng thời gian soi và các biến chứng do soi. Tuy nhiên, tất cả các ghiên cứu đều cho thấy sự khác biệt về tình trạng đau sau khi soi, rõ nhất ở mốc 1 giờ và sau đó 6 giờ. Sự khác biệt cũng được ghi nhận dù bệnh nhân được gây mê nhẹ, sâu hay không gây mê.


Do đó, có thể khẳng định, việc ứng dụng khí CO2 trong soi đại tràng giúp người bệnh dễ chịu hơn, hồi phục nhanh hơn và hơn bao giờ hết, nội soi đại tràng đã gần như đạt đến khái niệm thật sự là không đau.


CÁC E NGẠI KHI DÙNG KHÍ CO2:


Trước hết là về vấn đề chi phí, bản thân nội soi đại tràng đã là một thủ thuật có chi phí khá cao. Việc sử dụng khí trời trong khi soi là rất thuận tiện vì  không phải tốn tiền mua … Khí trời. Thiết bị bơm khí vốn là thiết bị tiêu chuẩn được lắp đặt trong các nguồn sáng. Ngược lại, việc dùng khí CO2 cần có thêm một thiết bị dùng để bơm và điều chỉnh lượng khí đưa vào có giá từ 6000 đến 9000 USD. Khí CO2 cũng cần phải chứa trong bình nén và thay đổi thường xuyên. Việc đầu tư hầu như chỉ đem lại một hiệu quả là làm bệnh nhân thấy dễ chịu hơn phần nào. Do đó, khá nhiều cơ sở cho rằng nó không cần thiết . Tuy nhiên, các số liệu tính toán cho thấy chi phí tiêu hao cho khí CO2 và vật tư là không đáng kể và chi phí cho thiết bị chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng chi phí mà bệnh nhân phải trả cho cuộc nội soi.


Kế đến, việc đưa khí CO2 vào cơ thể với lượng lớn, biết là chúng sẽ hòa tan nhanh và đi vào máu gợi lên một số câu hỏi về mức an toàn của nó:


-    Khí CO2 đưa vào có làm tăng nồng độ carbonic trong máu hay không ?
-    Khí CO2 dùng có an toàn cho những bệnh nhân đã có sẵn bệnh phổi mãn tình hay không ?
-    Khí CO2 dùng có an toàn khi kết hợp với biện pháp gây mê ( phần nào có tình trạng ức chế hô hấp) hay không ?


Rất may, cho đến nay thì các kết quả nghiên cứu đều cho thấy là với sự kiểm soát lưu lượng khí đưa vào theo cài đặt của nhà sản xuất thì tất cả các vấn đề trên đều được xác định trong mức an toàn và không ghi nhận tai biến gì. Chưa kể là khi dùng khí CO2 thì bác sĩ càng an tâm hơn khi tiến hành các biện pháp cắt đốt bằng điện cai tần hay bằng Argon Plasma.

 

 

TẠI VIỆT NAM:
Tình hình thực tế hiện nay ở Việt Nam ta là kỹ thuật nội soi đại tràng vẫn còn kém phổ biến. Không chỉ các bác sĩ ít quan tâm đến vấn đề tầm soát ung thư trên người lớn tuổi mà các bệnh nhân cũng bị ám ảnh rất nhiều về vấn đề đau khi soi. Với sự phát triển về kỹ thuật của các bác sĩ, việc ứng dụng khí CO2 là một biện pháp khác nên được cân nhắc để góp phần nâng cao sự hài lòng của bệnh nhân. 

Tài liệu tham khảo:
Methods of luminal distention for colonoscopy, GASTROINTESTINAL ENDOSCOPY, 2013,V77, N4 :519-25


TS.BS Võ Xuân Quang
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

Gửi câu hỏi