THÔNG TIN Y KHOA | NỘI TỔNG QUÁT

Mất Xuân Vì Ngộ Độc

Năm hết tết đến cũng là lúc người dân phải đối diện nhiều hơn với rủi ro về an toàn thực phẩm. Các báo cáo thường nêu ra những vụ ngộ độc nghiêm trọng với hàng trăm đến hàng ngàn bệnh nhân. Trên thực tế, còn bao nhiêu ca lẻ tẻ đang xảy ra khắp nơi khắp chốn?

Ăn gì để không ngộ độc?

Thật ra ngộ độc thực phẩm chỉ là một khái niệm rất chung mà nguyên nhân cụ thể có thể khác nhau trong nhiều trường hợp. Sự kết hợp nguyên nhân – hậu quả là khá rõ ràng (Thường chỉ cần vài giờ) nên ít ai nghi ngờ gì về “vai trò tích cực” của một số thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn hay nhiễm độc đấy. Phần lớn những tai nạn do “thực phẩm” đều có chung biểu hiện là đau bụng, ói mửa và tiêu chảy. Những trường hợp ói và tiêu chảy nhiều, đặc biệt ở trẻ em và người già sẽ nhanh chóng dẫn đến mất nước, triệu chứng tuột huyết áp và tử vong nếu không xử trí kịp thời.

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Tác nhân gây ra những rối loạn này có thể là vi sinh vật (Chủ yếu là virus, hoặc đôi khi là các vi khuẩn gây bệnh đường ruột), có thể là chất độc ngoại sinh (do các hóa chất, phụ gia gây tác dụng phụ) hoặc nội sinh (do các độc tố sinh ra) do các quá trình sinh sôi nảy nở của các vi khuẩn – thường gặp khi thức ăn để lâu, ôi thiu do bảo quản không tốt hay quá hạn.

Mỗi loại thực phẩm được chế biến đúng cách đều có thể được dùng an toàn trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu chỉ nói về vấn đề “ngộ độc”, chúng ta thường chú ý về chất liệu, phụ gia chế biến. Tuy nhiên, nếu biết rằng ngộ độc thức ăn cũng có thể gây ra do virus, vi khuẩn vì việc chế biến như thế nào sẽ là một câu hỏi lớn, rất lớn.

Cúm dạ dày

Đúng vậy, bạn không nhìn lầm. Dạ dày cũng có thể bị cúm như thường (Stomach Flu). Đây là một chứng bệnh viêm dạ dày ruột do virus thuộc nhóm Novovirus với những biểu hiện giống 100% tình trạng ngộ độc thức ăn mà ta đang nói đến. Trên thực tế, một số lớn trường hợp mà ta cho là ngộ độc thức ăn, có thể là những trận dịch nhỏ gây ra do Novovirus. Trên thế giới, bệnh gây ra do Novovirus là rất phổ biến. Theo số liệu của trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC), Novovirus là nguyên nhân hàng đầu gây viêm dạ dày ruột (Nói cách khác: đau bụng/ói mửa/tiêu chảy), dẫn đến khoảng 21 triệu ca mỗi năm, 70,000 trường hợp phải nhập viện và khoảng 800 ca tử vong. Vấn đề nằm ở chỗ diễn tiến của bệnh thường rất nhanh (có lẽ chính vì thế mà gọi là cảm cúm), virus gây bệnh thường được gọi là “virus 24 giở” (24h stomach flu bug). Khi bác sĩ còn đang loay hoay suy nghĩ tìm cách chẩn đoán, thì bệnh nhân đã khỏi bệnh mất rồi. Cũng như việc cố gắng đi tìm chẩn đoán (thường phải dùng kỹ thuật PCR rất đắt tiền) xem ra không mấy ý nghĩa khi bệnh diễn tiến lành nhanh và ít biến chứng.

Mặt trái của sự việc ở đây là chúng ta dần quên mất là bệnh có thể gây ra do nhiều yếu tố khác, chứ không chỉ đơn giản là việc dùng nguyên liệu thức ăn không tốt hay bảo quản không kỹ. Novovirus lây qua đường miệng. Do đó, có thêm những yếu tố có thể góp phần lây nhiễm và làm xuất hiện triệu chứng ngộ độc thức ăn: người chế biến thức ăn đang bệnh, nguồn nước bị nhiễm virus hoặc bản thân người dùng thức ăn bằng tay bị lây từ nơi khác như nhà vệ sinh chẳng hạn. Trên thế giới mỗi năm có khoảng 267 triệu người bị “dính” con virus này, còn ở Việt Nam vẫn chưa có con số ước lượng nào đáng tin cậy.

Trong tháng 12/2012, Trung tâm y tế Công Cộng TP.HCM có thăm dò một số mẫu và ghi nhận Novovirus có mặt trong 4/5 mẫu hào sống và 3/5 các mẫu nghêu, sò, huyết, … Đây có phải là điều cảnh báo đáng chú ý với những ai ưa thích hải sản, đặc biệt là hay ăn theo kiểu “tươi sống”?

Norovirus và Rotavirus

Ở Việt Nam, Norovirus có họ hàng khá nổi tiếng mà bất cứ bác sĩ Nhi khoa nào cũng rất quen thuộc, đó là Rotavirus. Rotavirus cũng là một loại virus gây viêm dạ dày ruột cấp, nhưng biểu hiện nổi bật là tiêu chảy và chủ yếu gây bệnh ở trẻ em. Do đó, chúng ta thường nghe nói đến tiêu chảy cấp do Rotavirus thay vì “cúm dạ dày do Rotavirus”. Bệnh phổ biến đến mức trong 5 năm đầu đời, hầu như không trẻ nào thoát khỏi tiêu chảy cấp do Rotavirus. Bệnh lây rất mạnh nên dù ở sạch cách mấy thì vẫn khó tránh khỏi có lúc bị lây nhiễm. Tuy nhiên, do biểu hiện chủ yếu là tiêu chảy nên bệnh do Rotavirus có thể phân biệt với bệnh gây ra do Norovirus.

Điểm tương đồng khá quan trọng giữa Norovirus và Rotavirus là con đường lây chủ yếu qua miệng. Nguồn lây ban đầu từ dịch ói hay phân, qua trung gian của bàn tay bị vấy bẩn hay nguồn nước bị ô nhiễm (các virus có thể tồn tại trong nước nhiều ngày) dễ dàng tìm đến nạn nhân mới và đặc biệt, do cơ chế lây này mà cả hai loại bệnh đều có xu hướng gây nên những trân dịch cục bộ trong cơ quan, trường học, xí nghiệp.

Bệnh nguy hiểm hay không?

Trở lại vấn đề ngộ độc thực phẩm, bệnh có thể nhẹ nhưng cũng có thể nặng và không ai dại dột thử khi đã biết có nguy cơ. Nói về phương diện cá nhân, việc đau bụng, ói mửa, tiêu chảy trong 1-2 ngày không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà đôi khi làm thay đổi kế hoạch, công việc hang ngày. Nói về phương diện xã hội, mỗi vụ ngộ độc hang trăm người gây thiệt hại to lớn cho doanh nghiệp, chưa tính đến khả năng gây thiệt hại về nhân mạng.

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Như đã nói trên, bệnh có xu hướng tự giới hạn nhưng ngay cả trong giới hạn đó, các đối tượng có sức chịu đựng kém cũng có thể diễn biến rất xấu. Những người có nguy cơ bao gồm diện có dự trữ nước trong cơ thể thấp như trẻ em và người già, diện có khả năng thích ứng kém bao gồm bệnh gan, thận mãn tính hay có bệnh tim mạch kèm theo. Do đó, cần cảnh giác theo dõi và điều trị đúng cách để bệnh không diễn tiến nặng hơn.

Điều trị ngộ độc thực phẩm ra sao?

Dù bị nhiễm virus, vi khẩn hay độc tố thì bệnh cũng có xu hướng tự giới hạn do cơ thể chủ động đào thải các tác nhân gây bệnh, đồng thời tự điều chỉnh khối lượng nước điện giải.

Trong mọi trường hợp cần nghỉ ngơi, ăn nhẹ dễ tiêu, uống nhiều nước và chú ý vệ sinh để không tiếp tục lây cho người khác.

  • Khánh sinh không có tác dụng trong đa số trường hợp và việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước.
  • Uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng (không có gas), nước dừa tươi hoặc nước biển khô ORESOL theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
  • Ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường nhưng chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần và ăn chậm để tránh ói.
  • Theo dõi số lần ói và đi tiêu.
  • Theo dõi phát hiện các dấu hiệu mất nước để kịp thời đưa bệnh nhân nhập viện.
  • Cần đi khám hay vào viện để truyền dịch nếu cơ thể có dấu hiệu mất bù: da khô, tim đậo nhanh, cảm giác mệt lả hay ngất xỉu.

Phòng ngừa

Như trên đã nói, việc ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm không chỉ là có ý thức và chọn lọc về loại thức ăn và nơi ăn mà còn là biện pháp vệ sinh để ngừa lây nhiễm virus.

(Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Đáng tiếc là cho đến nay vẫn chưa có vaccine chống Novovirus trên thị trường nên sự hoành hanh của nó ở con người vẫn là điều khó tránh. Chú ý chọn những điểm ăn uống có ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như vấn đề nguồn nước kết hợp với việc rửa tay đúng cách trước khi ăn sẽ giúp hạn chế phần nào vấn đề ngộ độc. Chuyện không lớn chút nào nhưng cũng không nên vì nó mà mất hết mấy ngày xuân, bạn nhé!

Tiến sĩ, Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@yersinclinic.com để đặt hẹn và được tư vấn.

Gửi câu hỏi