THÔNG TIN Y KHOA | TAI MŨI HỌNG

Lai Rai Như Tai Mũi Họng

Đó là một thành ngữ mà các sinh viên y khoa thường hay nói nửa đùa nửa thật về chuyên khoa tai mũi họng. Câu kết luận nghe có vẻ buồn cười nhưng lại phản ánh chính xác một thực trạng là các bệnh lý tai mũi họng ngày càng phổ biến và ngày càng trở nên bất trị.

Có lẽ không ai để ý, hoặc đã quen đến mức không nhìn ra được tác hại của sự ô nhiễm không khí đối với cuộc sống hằng ngày nhưng thực sự tình hình bệnh lý tai mũi họng đã trở nên nghiêm trọng một cách đáng báo động mà quá trình đô thị hóa không thể phủi tay từ chối trách nhiệm.

Đô thị hóa và tai mũi họng

Tất nhiên ở đây chúng ta sẽ không nói về quy hoạch đô thị hay chuyện ngập đường, cúp điện mà nói về những vấn đề rất gần gũi, ngay dưới tầm mắt của mình, ví dụ như …cái mũi. Bản thân vấn đề đô thị hóa không phải là xấu vì nó đem lại nhiều tiện ích và cuộc sống sung túc cho rất nhiều người. Nhưng cùng với nó là sự hủy hoại môi trường và sự tàn phá sức khỏe con người mà có lẽ đến nhiều thập kỷ sau chúng ta mới thấy được hậu quả.

Theo số liệu từ bộ xây dựng, từ năm 1986 đến năm 2010, số dân cư đô thị đã tăng từ 11,8 triệu đến 28,5 triệu. Cho đến nay, khoảng 1/3 dân số nước ta chen chúc nhau trong những tòa nhà cao tầng và những dãy phố chật hẹp. Cùng với những tòa nhà và những con đường đó là cả một bầu trời xám xịt đầy bụi bẩn và khói xe mù mịt.

Những số liệu quan trắc cho thấy lượng bụi PM10 (bụi có kích thước nhỏ hơn 10 micron) tại các thành phố lớn ở nước ta luôn vượt từ 2 - 5 lần tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, báo cáo EPI 2012 của trường Đại học Yale và Columbia thực hiện, phối hợp với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã nêu lên một thành tích mới của chúng ta: Việt Nam đứng thứ 123 trong 132 nước được khảo sát về ô nhiễm không khí, nằm trong top 10 từ … dưới đếm luôn.

Theo số liệu của Bộ Y tế, các bệnh về đường hô hấp đang chiếm tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc và nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm không khí gây ra. Trên thực tế, sự ô nhiễm này có lẽ là thủ phạm chính hành hạ cái mũi của chúng ta mỗi ngày.

Cửa ngõ đường hô hấp

Mũi là cửa ngõ đầu tiên của đường hô hấp, cũng như miệng là trạm gác đầu tiên của ống tiêu hóa. Có một sự khác biệt giữa hai hệ thống này là một đằng thì kín, chỉ vào không có ra còn một bên thì trống cả hai đầu. Do đó, nếu không may ăn phải vài thứ không tốt thì cơ thể cũng chỉ phản ứng chút ít và tìm cách tống ra ngoài càng nhanh càng tốt. Ngược lại những thứ xấu xa lỡ hít vào qua mũi thì lại bị giữ lại hay hấp thu và khó mà thở ra hết.

Mũi là một cơ quan quan trọng, không phải vì không có nó thì chúng ta không… xì mũi được, mà vì nó giúp chúng ta ngửi, sởi ấm và lọc dòng không khí đi vào cơ thể, cũng như hệ thống xoang mũi giúp giúp cơ quan phát âm của chúng ta làm việc nghiêm chỉnh. Bình thường, chúng ta chẳng bao giờ phức tạp như thế, cho đến một ngày nó bỗng sựng lại, bị tắc tịt, hoặc tệ hơn nữa là bỗng chảy nước ròng ròng như ống nước bị vỡ.

Chuyện nhỏ lúc đầu có thể nhanh chóng trờ thành lớn vì việc “sụt sùi không dứt” lập tức giữ chân chúng ta ở nhà mà không thể đến trường, cơ quan. Đối với trẻ nhỏ, chỉ cần nghẹt mũi cũng đủ làm chúng quấy khóc cả ngày, đôi khi còn dẫn đến khó thở, tím tái.

(Hình minh họa: Nguồn internet)

Khi bệnh diễn tiến cấp tính, có thể dấn đến viêm họng, viêm thanh quản, và sau đó là viêm phế quản, viêm phổi. Khi bệnh diễn tiến mãn tính, có thể gây ảnh hưởng đến khả năng ngửi (do sự hủy hại của các tế bào khứu giác dẫn đến “điếc mũi”), khả năng nghe (do viêm tai giữa làm giảm sức nghe) hay thậm chí là khả năng nói (do viêm thanh quản làm giảm chất giọng).

Bộ ba tai-mũi-họng liên quan mật thiết như thế và khi tiếp tục phát triển, còn có thể là nguồn gốc gây nên bệnh trầm trọng ở các cơ quan lân cận như mắt, não, màng não và phổi. Một số trường hợp viêm họng do liên cầu ở trẻ em còn có thể dẫn đến biến chứng toàn thân ở thận, khớp và tim.

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm mũi, xoang là do dị ứng, xảy ra trong khỏang 17 – 25% dân số. Ở các nước phát triển, tình trạng viêm mũi dị ứng thường xảy ra theo mùa vì các dị ứng nguyên chủ yếu là phấn hoa, tràn ngập trong không khí vào mùa hè.

Ngược lại, ở nước ta, tình trạng viêm mũi dị ứng xảy ra quanh năm vì dị ứng nguyên tràn lan trong khối bụi bặm khổng lồ gồm đủ chất tạp nham mà chính chúng ta đang mỗi ngày thải vào không khí. Đây cũng là nỗi khổ tâm của các bác sĩ tai-mũi-họng, vì ở các nước khác, việc điều trị viêm mũi xoang dị ứng khá bài bản nhờ vào việc xác định chính xác các dị ứng nguyên và dùng liệu pháp giải trừ miễn dịch. Ngược lại, trả lời câu hỏi, cái gì gây ra dị ứng ở nước ta, chẳng khác nào là điệp vụ bất khả thi vậy.

Tuy không biết những cơ chế sâu xa như thế nhưng dân ta vẫn rất ý thức được cái sự hại đời của bụi bặm nên rất tự giác đeo khẩu trang mỗi khi có việc ra đường. Điều ít ai biết là 90% các loại khẩn trang đanag được bán đầy đường không ngăn được các vi sinh vật gây bệnh, lại càng không ngăn được các loại bụi PM10 là loại bụi tinh, chủ yếu gây nên các bệnh hô hấp.

(Hình minh họa: Nguồn internet)

Vì thế, cảnh tượng đường phố đầy những hiệp sĩ bịt mặt, xem ra chẳng giúp ích nhiều cho ngành y tế nhưng lại làm xấu đi bộ mặt đô thị khá nhiều. Tất nhiên, không phủ nhận là các khẩu trang này vẫn giúp được phần nào đối với các loại bụi thô (cát đá xây dựng, khói đen xe tải) nhưng đó là những loại bụi vốn không được phép tồn tại trong thành phố.

Cũng đã có không ít người lên tiếng về tình trạng ô nhiễm không khí và cả tiếng ồn. Cũng đã có những tiêu chuẩn, quy định về ngưỡng bụi bặm, ngưỡng tiếng ồn cho các đô thị nhưng xem ra vẫn chưa có hiệu quả thực tế. Bài viết này tuy nêu được thực trạng hiện nay nhưng các giải pháp thực sự là hạn chế. Không thể khuyên độc giả bỏ đô thị để về miền quê trong lành, yên tĩnh, lại càng không thể suốt ngày ra đường bịt mũi, bịt tai kín mít. Trong thực tế việc kiểm soát tình trạng này cần có vai trò quản lý nhà nước để giảm bớt các nguồn gây ô nhiễm, nhưng phần quan trọng nhất có lẽ là ý thức của mỗi người chúng ta trong cuộc sống này.

Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Quang

Phòng khám Đa khoa Quốc Tế Yersin

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.

Gửi câu hỏi