THÔNG TIN Y KHOA | CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH

Đoán Bệnh Qua... Ảnh

Không phải các ông “lang băm” hay thầy bói mới đoán bệnh qua ảnh. Các bác sĩ từ xưa đến nay vẫn thường dùng phương pháp này để chẩn đoán bệnh tình bệnh nhân. Như thế, liệu có phản khoa học?

Không phải các ông “lang băm” hay thầy bói mới đoán bệnh qua ảnh. Các bác sĩ từ xưa đến nay vẫn thường dùng phương pháp này để chẩn đoán bệnh tình bệnh nhân. Như thế, liệu có phản khoa học?

Thoạt nghe qua tựa bài, có thể bạn hình dung đến thầy bói hoặc một dạng lang băm nào đó dám phán bừa bệnh một người khi chỉ nhìn qua ảnh. Sự thực cũng gần giống như thế, nhưng những tấm ảnh để bác sĩ chẩn đoán bệnh thực ra lại không phải ảnh chân dung, mà là những hình ảnh của cơ thể được chụp lại qua các phương pháp khác nhau.

Vâng, nghề chúng tôi muốn đề cập đến là chẩn đoán bệnh qua hình ảnh, một chuyên ngành non trẻ trong y khoa nhưng phát triển rất nhanh và rất sâu trong những năm gần đây: ngành Chẩn đoán Hình ảnh.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Lịch sử các tên gọi

Có rất nhiều tên gọi để nói về chuyên ngành này, nhưng người viết chọn tên gọi “Chẩn đoán Hình ảnh” để bắt đầu câu chuyện vì tính phổ cập và dễ hiểu của nó.

Từ năm 1895, tia X được phát hiện và cho ra đời kỹ thuật chụp X quang, là kỹ thuật duy nhất thống trị ngành Chẩn đoán Hình ảnh đến tận những năm 70 của thế kỷ trước. Lúc này, tên gọi của ngành là Điện quang hoặc ngành X quang.

Bản chất tia X là sóng điện từ nên dùng chữ Điện quang để bao quát về ngành cũng là hợp lý. Nhưng theo thời gian, các kỹ thuật mới và hiện đại dần dần xuất hiện, X quang chỉ còn là một phần trong ngành đoán bệnh qua… ảnh này. Một tên gọi mới ra đời mang tính phổ quát hơn, chính xác hơn: Chẩn đoán Hình ảnh.

Như tên gọi, Chẩn đoán Hình ảnh là một chuyên ngành dựa vào các kỹ thuật ghi hình ảnh để cho ra chẩn đoán. Tuy nhiên, tên gọi này dễ gây hiểu lầm vì người làm chuyên ngành này không chỉ chẩn đoán mà còn can thiệp điều trị dựa trên các thông tin hình ảnh ghi nhận được. Từ đó xuất hiện tên Hình ảnh học Y khoa, hay nói gọn lại là ngành Hình ảnh học (Imaging – tiếng Anh, Imagerie – tiếng Pháp). Từ này được xem như bao hàm đầy đủ mọi nội dung và chính xác nhất khi nói về chuyên ngành còn non trẻ này.

Cái bóng của sự thật

Chẩn đoán Hình ảnh là ngành Cận lâm sàng hỗ trợ đắc lực nhất sau khi thăm hỏi và khám bệnh nhân. Đó là chuyên ngành dựa trên hình ảnh để chẩn đoán, là những gì bệnh lý được thể hiện một cách gián tiếp thông qua các phương tiện ghi hình.

Các giáo sư thường ví von nó như là “cái bóng của sự thật”. Bác sĩ không trực tiếp nhìn “sự thật”, nhưng từ những “hình bóng” ghi nhận và phản ánh được, họ tiếp cận và phát hiện sự thật, tức là chẩn đoán ra được bệnh.

Theo thời gian, cùng với sự phát triển của các kỹ thuật mới, người ta không thể xếp Chẩn đoán Hình ảnh là ngành Cận lâm sàng được nữa. Vì nếu khám lâm sàng là đến bên giường người bệnh, thăm khám, hỏi bệnh và cho ra chẩn đoán; Cận lâm sàng là các phương tiện hỗ trợ cho chẩn đoán và hầu như không tiếp xúc với người bệnh, thì trên thực tế, bác sĩ Chẩn đoán Hình ảnh ngày nay lại là người tiếp xúc với bệnh nhân khá nhiều. Trừ kỹ thuật X quang, các kỹ thuật khác như siêu âm, CT, MRI và DSA đều rất cần sự tiếp xúc lâu dài để hỏi bệnh, thăm khám bệnh nhân toàn diện và có hướng chẩn đoán ban đầu, từ đó cho ra được chiến lược khảo sát và thiết lập phác đồ phù hợp nhất.

Ngoài ra, ngành Chẩn đoán Hình ảnh còn có mảng Hình ảnh học can thiệp với chủ lực là kỹ thuật DSA, là nhánh kỹ thuật trực tiếp điều trị thông qua các can thiệp bằng đường chụp mạch như điều trị các túi phình trong não, những dị dạng mạch máu, đặt stent thông nối những mạch máu bị chít hẹp, bơm các thuốc diệt ung thư trong điều trị u gan…

Tất cả những điều này khiến Chẩn đoán Hình ảnh phải đổi tên thành ngành khác, một ngành được xem như là “ngã ba” lâm sàng và cận lâm sàng, ngành Hình ảnh học Y khoa.

Nếu cho sinh viên y khoa liệt kê các chuyên khoa có liên quan đến chẩn đoán hình ảnh và ngược lại thì các bạn thường trả lời rất dễ dàng và thoải mái đối với vế đầu. Có bạn còn liệt kê được gần hết 2 trang giấy vì kể khá chi tiết, kiểu như Nội thì có Nội thần kinh, Nội hô hấp, tim mạch, Nội thận, tiêu hóa, nội tiết, lao, nhiễm…; Tương tự như vậy khi liệt kê Ngoại, Sản, Nhi… Sang đến vế ngược lại, đa số các em đều cắn bút vì đưa ra ý nào cũng bị bác bỏ. Đúng là như vậy, ngay cả da liễu cũng cần đến sự hỗ trợ của Chẩn đoán hình ảnh khi gặp các bệnh lý hệ thống thể hiện ngoài da, cũng phải chụp thêm phim X quang phổi, X quang xương khớp để đánh giá toàn diện hơn…

Có thể nói, Chẩn đoán Hình ảnh tương tác với mọi chuyên khoa và hỗ trợ theo nhiều cấp độ trong việc cung cấp thêm thông tin lâm sàng cho bệnh nhân. Ngành khoa học này ngày càng được xem là công cụ thiết yếu cho việc chẩn đoán bệnh. Gọi đoán bệnh qua ảnh quả là không sai, và hoàn toàn khoa học!

ThS. BS. Hồ Hoàng Phương

Phòng Khám Đa Khoa Quốc Tế Yersin

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.

Gửi câu hỏi