THÔNG TIN Y KHOA | TAI MŨI HỌNG

Ung Thư Lưỡi

Ung thư lưỡi là một loại ung thư thường gặp nhất ở vùng miệng. Loại bướu (u) ác tính này phát sinh từ tế bào bề mặt (niêm mạc) của lưỡi, hoặc các loại tế bào liên kết (mô liên kết) tạo nên cấu trúc lưỡi.

Trước đây, ung thư lưỡi thường gặp ở người lớn tuổi nhưng những năm gần đây bệnh có xu hướng trẻ hóa, bệnh xuất hiện ở tuổi trung niên nhiều hơn. Chỉ riêng năm 2014, tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có hơn 80 người dưới 40 tuổi mắc bệnh ung thư lưỡi.

Trong giai đoạn đầu, những biểu hiện của bệnh không rõ ràng, thường bị nhầm lẫn với tình trạng nhiệt miệng thông thường, nên dễ bị bỏ sót. Khi bệnh đến giai đoạn nặng, người bệnh mới quan tâm và đi khám. Lúc này, việc chẩn đoán quá dễ dàng, nhưng can thiệp điều trị lại vô cùng khó khăn, hạn chế, và có thể dẫn đến tử vong.

Biểu hiện và diễn biến bệnh

Khởi đầu, ung thư lưỡi có biểu hiện mơ hồ, không rõ ràng, nên rất dễ bị bỏ sót. Người bệnh có thể có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh. Trên bề mặt của lưỡi có thể xuất hiện các tổn thương khởi đầu của ung thư, gồm các mảng trắng bám chặt, mảng đỏ rực kèm phù nề. Các mảng này thường không đau, tồn tại kéo dài, có thể bị nhầm lẫn với những sang thương lành tính khác như nấm, loét, bỏng,…

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Có thể có hiện tượng xơ hoá hoặc vết loét nhỏ, tạo nên các tổn thương sờ rắn chắc và không mềm mại như bình thường. Một số bệnh nhân có kèm hạch cổ bất thường.

Về sau, khi bệnh tiến triển, sẽ hình thành những tổn thương dạng loét, sùi, hoặc hỗn hợp loét và sùi, với nhiều mức độ khác nhau.

Người bệnh đau nhiều khi ăn uống, nói chuyện, sốt do nhiễm trùng, ăn kém nên cơ thể suy sụp rất nhanh. Ngoài ra, có thể biểu hiện tăng tiết nước bọt, chảy máu (nước bọt lẫn máu), hơi thở hôi thối, khít hàm, cố định lưỡi gây khó nói và khó nuốt.

Đa số các tổn thương ung thư lưỡi xuất hiện ở bờ tự do của lưỡi, đôi khi ở mặt dưới lưỡi, mặt trên lưỡi hoặc đầu lưỡi.

Sự nguy hiểm của bệnh

Diễn biến qua nhiều giai đoạn, kết cục của ung thư lưỡi rất trầm trọng. Người bệnh ăn uống rất kém do cảm giác đau đớn dữ dội, miệng lưỡi hôi thối vì nhiễm trùng tụ mủ tại chỗ, tổn thương sùi loét rất dễ chảy máu, đồng thời tế bào ác tính di căn nhiều nơi trong cơ thể, gây suy kiệt trầm trọng, và sớm tử vong.

Các nguyên nhân có thể gây ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi phát sinh do sự sinh sôi bất thường của các tế bào ung thư. Các tế bào này hình thành từ các tế bào bình thường bị biến đổi cấu trúc gen, thông qua quá trình tiếp xúc kéo dài với các yếu tố sinh ung thư và sự viêm nhiễm tại vùng miệng.

Các nguyên nhân đã được xác định có thể gây ung thư miệng-lưỡi gồm:

  • Hút thuốc lá, lạm dùng rượu bia
  • Ăn thức ăn chứa nhiều muối
  • Nhai trầu & thuốc lá
  • Các kích thích vật lý, hóa học kéo dài
  • Viêm niêm mạc miệng (lưỡi) mạn tính
  • Vệ sinh răng miệng kém
  • Nhiễm virus gây u nhú ở người (HPV) tại vùng miệng
  • Nhiễm siêu vi viêm gan
  • Chế độ dinh dưỡng thiếu vitamin A, E, D, sắt,…
  • Tuổi cao

Khi cần tầm soát hay phát hiện bệnh, bạn nên khám ở đâu?

Khi có những dấu hiệu nghi ngờ, hoặc cần tầm soát bệnh ung thư lưỡi sớm, bạn có thể đến gặp các bác sĩ gia đình, nha sĩ hoặc bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ tai mũi họng, hoặc các bác sĩ chuyên về ung bướu.

Cách điều trị bệnh

Tùy vào giai đoạn phát hiện bệnh, phương tiện điều trị có thể thay đổi. Phẫu thuật cắt bỏ u thường là phương pháp ưu tiên nếu phát hiện ung thư lưỡi ở giai đoạn sớm. Dùng tia xạ hủy tế bào ung thư (xạ trị) thuờng áp dụng cho những u giai đoạn muộn. Phương pháp dùng thuốc (hóa trị) thường dùng bổ trợ cho 2 phương pháp trên. Hiện nay, các bác sĩ có thể phẫu thuật tạo hình, tái tạo lưỡi, phục hồi chức năng nói, nuốt cho người bệnh. Đây là bước đột phá đem lại nhiều hy vọng cho người bệnh.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Dù là phương pháp nào, cũng là những can thiệp rất nặng nề, có thể để lại nhiều biến chứng cho người bệnh. Do vậy, dự phòng và phát hiện bệnh sớm để có can thiệp kịp thời là yêu cầu lý tưởng cho từng cá nhân người bệnh.

Cách phòng tránh bệnh

Dựa trên những hiểu biết về các yếu tố nguy cơ sinh ung thư vùng miệng-lưỡi, thì việc tránh tiếp xúc các yếu tố này là phương pháp phòng tránh tốt nhất cho sự phát sinh bệnh. Các chuyên gia ung thư học có những lời khuyên sau đây:

  • Cai thuốc lá, tránh hít khói thuốc lá (từ người khác). Hạn chế uống rượu, bia
  • Ăn ít nhất 400 g rau quả mỗi ngày
  • Giảm thiểu việc dùng muối trong ăn uống (dưới 10g/ngày)
  • Thể dục đều đặn, gồm có: đi bộ 60 phút mỗi ngày, một lần vận động ra mồ hôi mỗi tuần
  • Duy trì cân nặng trong giới hạn bình thường
  • Tránh dùng những thức ăn, thức uống nóng
  • Dự phòng, phát hiện và điều trị tình trạng nhiễm siêu vi viêm gan

Tài liệu tham khảo chính:

  1. Oral Cancer - Diagnosis and Therapy 2015 Springer
  2. Oral cancer - From Wikipedia (Jul 2015)
  3. Rubin's Pathology - Clinicopathologic Foundations of Medicine 7th 2015 LWW
  4. Ung thư lưỡi - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia Tiếng Việt (Jul 2015)
  5. 2012 Case Studies Archive (http://www.wda.org)

Trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng, Bác sĩ Lữ Thị Hoàng Oanh

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.

Gửi câu hỏi