THÔNG TIN Y KHOA | SẢN - PHỤ KHOA

U Nang Buồng Trứng - Ai Cũng Có Phần

U nang buồng trứng có thể là một bệnh ung thư. Nhưng thật ra, nó bao gồm nhiều loại bệnh khác nhau. 95% u nang buồng trứng là lành tính và khả năng tự khỏi rất lớn. Có thể nói, là phụ nữ, hầu như ai cũng từng một lần bị u nang buồng trứng trong đời.

Một hôm, chị bạn thời trung học hớt ha hớt hãi đến tìm tôi: ”Chết rồi, con bé nhà tớ bị ung nang buồng trứng!”. Sau khi trấn an hai mẹ con, tôi yêu cầu được xem xét kết quả siêu âm: Cháu có một nang noãn 20 mm. Tôi phì cười: ”Đây là bình thường mà! Không có mới là bất thường đấy!”. Chị bạn tròn mắt ngạc nhiên. Khổ thân bạn tôi, chị làm sao biết nang cũng có năm bảy loại nang, chẳng cái nào giống cái nào.

Nang và noãn (Cyst vs Follile)

Có câu chuyện vui về chiếc xe mới thì chỉ có cái kèn là kêu, còn xe cũ cái gì cũng kêu trừ cái kèn. Vâng, trong cơ thể con người, nang ở đâu cũng bất thường, trừ buồng trứng không có nang mới là có chuyện!

Chúng ta đang nói về một loại nang đặc biệt – nang noãn (Follicle). Mỗi phụ nữ có hai buồng trứng hai bên – hai nhà máy sản xuất noãn với số lượng dự trữ hầu như vô tận. Tuy vậy, mỗi tháng chỉ một noãn duy nhất được chọn làm “ứng viên giải bé cưng”. Từ ngày thứ 8 của chu kỳ, dưới tác động của estrogen, có một gen phát triển lớn dần lên khoảng 25 mm mỗi ngày. Vào ngày thứ 14, nang noãn đạt kích thước khoảng 25 mm, được gọi là nang trưởng thành hay nang Graaf. Dưới tác động của nội tiết tố, nang sẽ vỡ ra, phóng thích trứng, chuẩn bị cho sự thụ tinh.

Ảnh minh họa (Nguồn: dantri.com.vn)

Như vậy, một nang có kích thước nhỏ hơn 33 mm phát hiện ở khoảng ngày 14 của chu kỳ, không bất thường mà chính là biểu hiện bình thường của quá trình sinh sản ở nữ giới.

Sau khi phóng noãn, phần còn lại của nang hình thành hoàng thể và teo dần. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, chu kỳ rụng trứng có thể bị rối loạn sinh ra một số hậu quả mà thường gặp nhất là các u nang buồng trứng.

Nang chức năng (Functional Cyst)

Trước hết, có một số trường hợp “đến ngày đến tháng” mà nang không chịu rụng. Thay vì vậy, nang tiếp tục lớn dần lên 3 cm, 4 cm và đôi khi đến 5 cm. Các nang này chứa dịch trong đơn thuần (Simple cyst), thường có thể tồn tại một vài chu kỳ rồi mất đi. Do đó, khá nhiều trường hợp bạn nữ phát hiện có u nang nhưng không cần điều trị, chỉ cần kiểm tra lại sau 3 tháng. Trong một số trường hợp khác, phần nang còn lại sau khi hình thành hoàng thể không teo đi mà cũng lại thàng nang, gọi là nang hoàng thể (Luteum Cyst), rất hay gặp trong 3 tháng đầu thai kỳ.

Nang đơn thuần và nang hoàng thể nằm chung trong một nhóm gọi là nang chức năng. Chúng sinh ra do rối loạn chức năng buồng trứng, hoàn toàn lành tính và có thể tự mất đi mà không cần điều trị.

Nang không chức năng (Non Functional Cyst)

Có nhiều loại ung nang buồng trứng khác sinh ra do những cơ chế phức tạp hơn và ít khi tự mất đi mà cần có điều trị đặc hiệu, như:

  • Nang dạng bì (Dermoid cyst) hay còn gọi là u quái (Teratoma): các u sinh ra từ nguồn gốc các tế bào sơ khai có nguồn gốc từ cả 3 lớp của tế bào mầm. Vì thế, cấu trúc của u nang dạng bì rất hỗn tạp và bao gồm các loại mô răng, tóc, xương, da, móng, mỡ, … Do tính chất đặc biệt này, nang dạng bì có hình ảnh rất đặc trưng trên siêu âm và CT, ít khi nhầm lẫn.
  • Nang lạc nội mạc tử cung (Endometrial Cyst): Nang sinh ra do sự lạc chỗ (có thể bẩm sinh hay thứ phát) của một mảng nội mạc tử cung vào tổ chức buồng trứng. Cuối mỗi chu kỳ, chỗ nội mạc cũng chảy máu nhưng bị đóng kén thành nang. Dịch máu tích tụ lâu ngày thường đổi màu nâu nên nang còn có tên gọi khác là nang sôcôla (Chocolate Cyst). Cũng vì thế, mang thường to ra và gây đau vào những ngày bệnh nhân có kinh.
  • U nang tuyến thanh dịch (Ovanrian serous cystadenoma): Đây thực sự là khối u nang của buồng trứng nhưng lành tính.
  • Nang cạnh buồng trứng (Paraovarian Cyst): Nang cũng có thể xuất hiện từ các cấu trúc bên cạnh buồng trứng mà thường nhất là ở dây chằng rộng.

Buồng trứng đa nang: Thường do tình trạng tăng hoạt động buồng trứng, có thể nguyên phát hay thứ phát do dùng các thuốc kích thích rụng trứng (Chủ yếu là khi điều trị vô sinh). Cả hai buồng trứng đều to, có nhiều nang và một số nang có thể lớn.

Ung thư buồng trứng (Cystadenocarcinoma)

Ai cũng có phần

Phần lớn u nang được phát hiện tình cờ khi siêu âm vì chúng có triệu chứng khá mơ hồ như đau bụng dưới, rối loạn kinh nguyệt, cảm giác đầy bụng hay rối loạn đi tiêu – đi tiểu. Một vài trường hợp hiếm u rất to kèm theo mất kinh có thể gây ngộ nhận có thai.

Bệnh nhân có u nang buồng trứng phải chú ý đến khả năng biến chứng. Khối u có thể vỡ, có thể xoắn và cũng có thể gây chảy máu bên trong nang hay ra ổ phúc mạc. Triệu chứng đau dữ dội là dấu hiệu báo động bệnh có thể diễn biến trầm trọng. Tuy nhiên, phần lớn các u nang này lành tính và có thể tự khỏi mà không cần uống thuốc hay mổ xẻ gì.

Khi được chẩn đoán có u nang buồng trứng, hãy bình thĩnh tìm hiểu đó là loại u gì và khả năng điều trị như thế nào? Việc điều trị một khối u nang buồng trứng thường được cân nhắc theo những yếu tố: Có phải là thực tế không? Có kích thước lớn không (thường lấy mốc là 5 cm)? Có biến chứng không (xuất huyết, vỡ, xoắn)? Có dấu hiệu nghi ngờ ung thư không?

Nếu có một câu trả lời có, có thể phải phẫu thuật cắt bỏ u nang. Với sự phát triển của kỹ thuật mổ qua nội soi, việc phẫu thuật ngày nay nhẹ nhàng hơn ngày xưa rất nhiều.

Tóm lại, u nang buồng trứng là bệnh khá thường gặp, bao gồm nhiều dạng khác nhau. Nếu bạn không may mắc phải, trước hết đừng lo lắng vì có thể nói hầu như mọi chị em đều một lần bị u nang buồng trứng trong quãng tuổi có hoạt động tình dục. Thứ hai, 95% u nang buồng trứng là lành tính và khả năng tự khỏi rất lớn. Thứ ba, nếu phải mổ thì hãy lạc quan vì đây chỉ là một cuộc mổ rất nhẹ nhàng, thậm chí không để lại sẹo.

Bác sĩ La Hằng (CK Sản - Phụ Khoa)

Phòng khám Đa khoa Quốc tế Yersin

___________________________________________________________________________________

Quý khách vui lòng liên hệ số điện thoại 0933 668 827 hoặc email CS@khamonline.com để đặt hẹn và được tư vấn.

Gửi câu hỏi